Nước Lào hiện đại có thể coi là sự hợp nhất của ba tiểu quốc nhỏ: Vientiane, Champasak và Luang Prang. Đây cũng là 3 thành phố lớn nhất của Lào. Về mặt nào thì mình không biết, chứ du lịch thì Luang Prabang nổi trội nhất. Luang Prabang vốn được coi là đất Phật của Lào, nổi tiếng với hình ảnh các nhà sư khất thực buổi sáng.
Tượng Phật phong cách Lào: mặt trái xoan, chỏm đầu, ngón tay dài. Tượng kiểu Khmer mặt hình trái tim, môi dày hơn.
Hoa cúng
Mình vốn là loại đi ít kì vọng, kiểu tới đâu thì tới, nên thường gặp bất ngờ thú vị hơn là hụt hẫng thất vọng. Nhưng khi rời khỏi Luang Prabang thì không khỏi chút cảm giác thất vọng. Thất vọng không phải vì Luang Prabang không đẹp. Luang Prabang đẹp, với vô số chùa chiền, nơi gặp nhau của hai dòng sông hùng vĩ, dòng Mekong và Nậm Khan. Thất vọng không phải vì mình đến thăm Luang Prabang một (vài) chiều mưa. Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều. Mà vì cảm giác Luang Prabang như một em gái quê, vốn đẹp chân chất học đòi phố huyện trở nên hơi kệch cỡm, mất đi cái hồn của đất Phật lặng lẽ và tĩnh mịch.
Vat Xieng Thong – ngôi chùa đẹp nhất Luang Prabang
Tuk tuk ở Luang Prabang đầy màu sắc
Đất nước triệu voi
Ở khu trung tâm thì cảm giác thương mại hóa rõ ràng, hàng loạt hàng quán mọc lên nấm. Vẫn biết làm du lịch thì phải có các loại hình giải trí về đêm, nhưng trong khung cảnh một thành phố nối tiếng vì sự tĩnh mịch, chậm rãi và thư thả như Luang Prabang thì có vẻ hơi trớt quớt. Đấy là khu trung tâm du lịch, đi xa khoảng 20p thậm chí còn có cả khu Trung Quốc. Nhạc nhẽo ầm ĩ, đèn màu nhấp nháy rất hoa lá hẹ, và trông không hợp nhãn chút nào. Thôi thì cũng mong các bạn phát triển, nghèo mãi thì cũng không được, nhưng đừng phát triển kiểu rẻ tiền. Đặc biệt là cảnh khất thực buổi sáng của các nhà sư làm mình thất vọng nhất. Tội nghiệp các sư bị biến thành người mẫu bất đắc dĩ, bị bao vây bởi hàng tá khách du lịch thi nhau tự sướng. Có người thậm chí còn ra đứng trước đoàn khất thực chụp ảnh lia lịa, mất hết tính tôn nghiêm mà nó đáng lẽ ra phải có.
Khất thực.Tôn trọng: Không tìm thấy
Trở lại với khu trung tâm. Đợt mình đến đây có lẽ là dòng Nậm Khan nước lên cao cũng vào loại kỉ lục. Các bạn Luang Prabang tập trung đứng bên bờ, không ngừng chỉ trỏ bình luận. Chỉ sau một đêm dòng sông chắc phải rộng ra gấp rưỡi, cuồn cuộn nước. Dại mồm trượt chân rơi xuống dòng sông không mất xác thì cũng phải 3 ngày mới trồi lên được.
Ngã ba Mekong – Nậm Khan
Hàng dài xe máy của các bạn ra xem dòng sông
Bình luận về dòng nước Nậm Khan
Cũng chính vì mưa vậy mà thác nước Kuang Si vốn nổi tiếng với dòng nước xanh như ngọc bất chợt trở thành một bà già cau có, tuôn chảy xối xả. Nhìn hàng nghìn lít nước đục ngầu hung dữ như vậy thật khó hình dung Kuang Si hiền lành vẫn xuất hiện trên các trang mạng thông tin toàn cầu. Thách kẹo cũng không thanh niên nào dám chui xuống đây mà tắm. Thác Kuang Si cách Luang Prabang khoảng 30p đi xe máy. Cảm giác chạy xe máy ở Lào rất thích, một cảm giác thân thuộc, không khác chạy các con đường miền núi ở Việt Nam là bao, trừ việc đường vắng hơn, hẹp hơn, và không nghe tiếng còi chiu chíu suốt ngày.
Thác Kuang Si. Nhấn vào đây để xem hình ảnh lúc bình thường.
Gãy cả cầu
Bảo tàng quốc gia Luang Prabang trước vốn là cung điện hoàng gia, được xây đầu thế kỉ 20. Sau khi các bạn Lào tiến hành làm cách mạng thành công thì khu này biến thành trại cải tạo, rồi thành bảo tàng. Ở hành lang là một loạt bức tranh miêu tả một câu chuyện dân gian của Lào. Nội dung kể ra thì trớt quớt, đại loại là có một hoàng tử giận dỗi vua cha, lôi vợ con vào rừng sinh sống. Một hôm có một ông thợ săn vào rừng đi tìm người giúp việc, hoàng tử bán luôn hai con cho ông này. Bà vợ về thấy con bị bán thế là đi tìm. Loằng ngoằng một hồi thì kết thúc câu chuyện hoàng tử trở lại đất nước và lên làm vua. Mình cũng ngu ngơ nên không hiểu ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải thông qua câu chuyện là gì nữa. Trong cung điện mình nhớ nhất là trong tủ sách của vua Sisavang Vatthana có quyển tiểu sử Hồ Chí Minh. Do vào đây không được chụp ảnh nên không có tấm hình nào mô tả hết.
Đường vào bảo tàng
Ngôi chùa Haw Pha Bang trong khuôn viên bảo tàng
Phố trung tâm
Đói bụng mò ra bờ sông Nam Khan làm chai bia ngắm hoàng hôn. Đang ngồi uống thì bác bên cạnh đang nhậu với 2 ông bạn quay ra hỏi mình đến từ đâu. Vừa bảo từ Việt Nam thì bác này nói ngay “tôi là cháu bác Hồ” bằng tiếng Việt buồn cười muốn chết. Thế là lôi mình vào bàn nhậu cùng. Hóa ra bác này là chủ quán luôn. trước học đại học ở Hà Nội hồi những năm 80, liên tục bảo “Hà Nội đường nhỏ đường to tôi biết hết, biết hết rồi”. Mải lo ăn uống quên cả chụp hình lưu niệm với ông bác.
Luang Prabang nhìn từ đỉnh Phou Si
Về đền chùa thì ở Luang Prabang vô số, đi mấy bước là thấy một chùa. Quả không phải ngẫu nhiên khi Lào chọn hoa đại làm quốc hoa. Chùa nào cũng phải trồng ít nhất vài cây đại. Vào đây mới cảm nhận lại được cái tĩnh mịch của chùa, một cảm giác mà đã lâu không còn thấy ở Hà Nội nữa.
Chùa – rất nhiều chùa
Đi vào mấy con phố nhỏ mới thấy nét hấp dẫn của Luang Prabang. Luang Prabang có nét kiến trúc trộn giữa kiến trúc cổ truyền Lào và kiến trúc thuộc địa Pháp. Tĩnh mịch, thư thái, đây mới giống như Luang Prabang mà mình vẫn tưởng tượng.
Những con đường rợp bóng cây
Mình thích cái vẻ lãng đãng của Luang Prabang, thích những ngõ nhỏ với những ngôi nhà rợp bóng cây. Hy vọng lần sau nếu đến Luang Prabang nữa thì gặp lúc thời tiết đẹp hơn, còn đi cưỡi voi ngắm cảnh, chứ mưa gió thế này chỉ tổ làm lợi cho các bạn bia Lào.
Góc trên bên trái là xôi trứng kiến.
Bánh này ăn cũng vui
One thought on “Một Luang Prabang khác với Internet”