Lý do mình đi Yogyakarta rất đơn giản: chưa đi Indonesia bao giờ + Borobudur. Borobudur là đền thờ Phật giáo lớn nhất trên thế giới. Thật ra tiếng Việt thì đi với Phật giáo phải gọi là chùa thì mới đúng, nhưng mình nghĩ không đúng trong trường hợp này lắm vì kiến trúc khác xa kiến trúc chùa mà người Việt vẫn quen thuộc, mà lại giống đền thờ Hindu hơn nên gọi là đên cho tiện. Đông Nam Á thì các công trình ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo còn sót lại tương đối nhiều, như Angkor Wat ở Campuchia, Bagan ở Myanmar, hay ở Việt Nam có thánh địa Mỹ Sơn, tháp chàm Ponagar. Theo mình xếp hạng đền đài chùa chiền ở Đông Nam Á mà mình đã đi thì Angkor Wat vẫn là nhất về độ hoành tráng, Bagan nhất về số lượng còn Shwedagon nhất về độ lộng lẫy, tất nhiên là không tính tới đẳng cấp ngoại hạng của đỉnh cao kiến trúc chùa Một Cột hay kiệt tác nghệ thuật Tháp Rùa sừng sững soi bóng hồ Gươm rồi.
Mặc dù không nằm trong top 3 nhưng Borobudur chắc cũng phải nằm trong top 5, chi viện thêm Prambanan thì chắc cũng phải lọt vào top 4. Hai công trình này mặc dù được xây thờ hai đạo khác nhau, Borobudur theo Phật giáo còn Prambanan theo Hindu giáo nhưng được xây khoảng thời gian xêm xêm nhau, tầm thế kỉ thứ 9, trước khi đạo Hồi lan tới Indonesia. Cộng thêm việc đạo Phật vốn được phát triển dựa trên đạo Hindu nên kiến trúc và motif trang trí của hai công trình này có nhiều điểm tương đồng, ít nhất là mình thấy vậy. Mặc dù tương đồng như vậy, đều là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, lại cách nhau có hơn 50km nhưng Prambagan lép vế nhiều so với Borobudur, bởi Borobudur hơn đứt về độ hoành tráng và đẹp mắt.
Borobudur với human for scale
Từ Yogyakarta đi đến Borobudur bằng xe bus mất khoảng 1h, đấy là loại xe bus chợ bắt khách dọc đường, trên xe chất cả bu gà hàng hóa, còn loại mini bus cho khách du lịch thì chắc nhanh hơn. Mình cũng chẳng vội vàng gì nên cứ thong thả mà đi xe bus chợ, giá vé có 25000 rupiah, khéo mặc cả thì xuống được 20000 rupiah. Xe cũ, không có điều hòa, chỉ có duy nhất một cái quạt cho tài xế nhưng được cái cửa mở, nên cũng thoáng. Có điều trên đường về mưa to như trút nước phải đóng cửa nên hơi bí chút, còn lại so với giá vé thế là hài lòng rồi.
Borobudur không phải là một quần thể đền tháp như Prambanan mà là một đền thờ 5 tầng cao 35m với diện tích nền là 123mx123m (số đẹp), với hơn 500 pho tượng Phật. Để các bạn tiện so sánh thì đỉnh cao kiến trúc chùa Một Cột có 1 tượng Phật và diện tích nền 3x3m, chỉ kém Borobudur mỗi chiều đúng 120m. Xây to làm gì cho phí tiền, tiền đấy sao không đi làm từ thiện có phải hơn không.
Vòm tượng trên tầng trên cùng của Borobudur. Mỗi vòm này đúng ra là có một tượng phật
Tượng như vậy
Những pho tượng không đầu
Ống thoát nước tại Borobudur
Rất tình cờ mình đi Yogyakarta đúng dịp Phật Đản, mà mỗi dịp Phật Đản thì Borobudur tràn ngập người . Mình thì vốn ưa mộng mơ, thích đuổi bướm tìm ong vui đùa với cỏ cây hoa lá nên nghĩ đến viễn cảnh chen chúc với hàng nghìn người như vậy là không ham rồi, nên mặc dù đến Yogyakarta đúng ngày Phật đản nhưng tránh, để dành hôm sau đi cho lành. Đúng là hôm sau có vẻ vắng vẻ thật, toàn khách du lịch, chỉ trừ có một đoàn chắc Phật Tử người Indonesia đến niệm kinh. Mà các bạn Indonesia đúng kiểu Hồi giáo quen rồi, thấy các bạn Phật tử niệm kinh cười đùa giễu cợt, coi bộ có vẻ lạ lắm.
Được cái lúc về lại được bonus thêm màn nghệ thuật dân gian đặc sắc do các em thiếu niên không biết từ đâu tới và không biết nhân dịp gì biểu diễn, miễn phí là ưng cái bụng rồi.

Khán giả nhí nghệt mặt ngồi xem
Prambanan thì gần Yogyakarta hơn, đi xe bus thậm chí chỉ mất có 3000-4000 rupiah một lượt. Xe bus ở đấy có đầu đọc thẻ từ trên xe hẳn hoi, có điều chỉ để làm cảnh bởi ở mỗi trạm chờ sẽ có người chặn hai đầu và thu tiền vé trước khi lên xe. Điều hòa thì chắc chắn là không có rồi, nên khỏi hy vọng vào bảng tên bến xe. Đến mỗi trạm bạn lơ xe sẽ nói một tràng, mà mình đoán là tên bến xe. Với vốn tiếng Bahasa dừng lại ở Salamat Datang của mình thì thôi cứ khỏi cần nghe làm gì. Được cái các bạn Indo rất tốt bụng và dễ thương, chỉ dẫn tận tình nên khỏi sợ nhầm.
Bến xe bus nó như thế này
Prambagan thì nhỏ hơn Borobudur, cũng vắng hơn, nhưng cao hơn. Tháp chính của Prambagan cao 47m, nghe đồn là tháp Hindu cao nhất ĐNA. Nghe đồn khu vực xung quanh này xa xử có tới hàng trăm đền thờ, giờ thì chỉ còn sót lại vài cái, bởi khu vực này vốn hay xảy ra động đất núi lửa.
Quẩn thể tháp tại Prambanan
Tháp chính Prambanan
Nếu không tính Borobudur và Prambanan thì Yogyakarta cũng không có gì hấp dẫn mấy. Ở đây giao thông rất hỗn độn, xe máy, ô tô, xích lô, xe ngựa, xe đạp đủ hết. Xích lô khá rẻ, bởi dân địa phương vẫn đi xích lô chứ chưa thương mại hóa cho khách du lịch như ở nhà mình. Khu Malioboro là khu trung tâm nhất của Yogyakarta, kiểu như chợ đêm nhà mình vậy.
Các bạn này được cái đội mũ bảo hiểm nghiêm túc hơn VN
Về ăn uống thì các bạn Yogyakarta có món gudeg là món địa phương nổi tiếng nhất. Điểm đặc biệt là nguyên liệu chính là mít, còn ăn thì cay cay, ngọt ngọt, mình cũng không khoái lắm. Về ăn uống thì mình vốn tốt bụng, trâu bò lợn gà sâu bọ rắn rết gì cũng đớp hết, mà ít khi bị đau bụng nên cứ thể tiến tới. Chính vì tốt bụng nên mới phát hiện ra có quả salak trên đời. Quả này vỏ giống hệt da rắn, thấy là lạ tò mò mua về ăn thử thì thấy khá ngon, mùi hơi giống mít, vị hơi giống mãng cầu, còn texture thì hơi giống lê.
Gudeg
Quả da rắn salak
Tóm lại là ưng các bạn Indonesia rồi đó, chắc chắn là top 10 ĐNÁ rồi.
One thought on “Một đống đền ở Yogyakarta”