Nhân dịp những ngày hè tháng tư lịch sử, xin gửi lời chúc mừng năm mới đến các bạn đọc của concuamaixanh.
Nửa vòng trái đất rẽ tầng mây
Anh đến Cuba một sáng ngày.
Phải nói bác Tố Hữu tuy mang tiếng là loa phóng thanh có vần nhưng thơ rất dễ nhớ. Nhân dịp Việt Nam xóa nợ cho Cuba, nhằm kỉ niệm tình cảm anh em sâu sắc với đất nước mà vì Việt Nam sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình, mình sẽ viết về Cuba. Tình cảm anh em sâu sắc thế nên có húp cháo ngắm tượng đài cũng được, ba cái đồng nợ con cháu trả tiếp, anh em là trên hết.
Cuba luôn nằm trong top đầu những điểm đến mơ ước của mình. Lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu là lý do cá nhân hơn là bản thân Cuba hấp dẫn.
Vốn là một người con sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, từ nhỏ mình đã thấm nhuần tư tưởng anh em cộng sản quốc tế đoàn kết lại. Tư tưởng đó càng được hun đúc hơn nữa khi mái trường đầu tiên mình theo học lại là trường Việt Nam – Cuba. Nhớ có lần khai giảng (chắc tầm lớp 2), cô hiệu trưởng giới thiệu đến dự buổi lễ khai giảng có các đại biểu đến từ Cuba. Hồi đấy nghĩ ủ uây, xa thế, vất vả thế, trân quý ghê gớm. Lớn lên mới nhận ra từ Đại sứ quán đến đó cũng chỉ có mấy bước chân.
Nước giải khát phiên bản Cuba – mojito
Lớn hơn chút nữa lại biết ngày sinh nhật của mình cũng là một ngày được kỉ niệm ở Cuba. Lại nghĩ ủ uây, cả nước mừng sinh nhật mình kìa. Đến tầm này thì sinh nhật cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, nhưng những ý nghĩ ủ uây kia in vào tâm trí mất rồi.
Khi nghe tin Cuba và Mĩ đang chuẩn bị bình thường hóa quan hệ, mình lại nghĩ, ủ uây, phải đi nhanh thôi trước khi các bạn Mĩ tràn hết sang Cuba. Đi Cuba để còn thấy lại (một phần) Việt Nam hồi trước chứ. Thế là thu xếp, lần lữa bao lần cuối cùng cũng đến được thành trì xã hội chủ nghĩa hiên ngang này.
Cùng nhau giữ vững chủ quyền biển đảo
Bắt đầu bằng việc xin Visa. Hì hục điền form online, trong lòng thầm nghĩ ủ uây, Cuba hiện đại gớm, có cả form online, hơn cả người anh em Đông Nam Á này rồi. Khấp khởi đến Lãnh sự quán nộp đơn, thì được hướng dẫn không nhận form điền online mà phải điền form giấy. À, nghe có vẻ giống nhau hơn rồi đấy. Hoàn tất hồ sơ, nộp tiền, chờ 15 phút là có visa. Nhanh gọn lẹ.
Bảo tàng cách mạng
Các bạn này chắc sĩ quan đi học lịch sử cách mạng
Tổng thống G.W.Bush
Sau khi trải qua hành trình dài đi qua 3 châu lục, cuối cùng mình cũng đến Havana. Mặc dù có đủ hồ sơ giấy tờ nhưng vẫn phải chờ tầm hơn một tiếng mới được nhập cảnh. Chắc tại các bạn Việt Nam ít sang đây, nên các bạn Cuba hơi lúng túng. Không sao, anh em mà, mấy chục năm thân tình còn được, mấy chục phút xá gì.
Nếu như bạn Trung Quốc có một quốc gia hai chế độ, thì các bạn Cuba có một quốc gia hai đồng tiền. CUC là tiền quy đổi, 1 CUC = 1 USD. CUP là tiền địa phương, 25 CUP = 1 CUC. Khách du lịch thì mặc định xài CUC, thế nên giá cả dành cho khách du lịch ở Cuba không hề rẻ. Trừ khi đi những chỗ thuần dân địa phương xài CUP thì giá cả lại rẻ bất ngờ.
Ấn tượng đầu tiên về Cuba là nghèo. Không đến nỗi nghèo xác xơ, nhưng mà bảo là giàu có, trù phú thì chắc ăn vả cũng đáng. Được cái các bạn Cuba luôn ăn mặc rất chải chuốt, tóc tai bóng mượt, nhìn vào ít thấy vẻ lam lũ. Vốn là một đảo quốc Caribbe, lại được sự quan tâm sâu sắc của nhà nước, nên rất ít khi nhìn thấy ai có vẻ vội vã ở Cuba. Cứ tối tối là có thể nghe tiếng nhạc dập dìu, các bạn hứng lên lại ra nhảy múa tí. Cuối tuần thì các thanh niên cắp nách chai rum chạy lăng xăng, nhìn vào đấy khó mà có thể bảo là cuộc sống tinh thần không phong phú. Lại thêm là đất nước chuyên xì gà, nên các bác bán rau cũng có thể phì phèo xì gà, cảm giác phong lưu thấy rõ.
Mình không trải qua thời bao cấp nên không biết thời bao cấp ở Việt Nam thế nào, nhưng nhìn Cuba chắc cũng hình dung được phần nào. Hàng hóa tương đối khan hiếm, đâu đó có thể thấy những cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh giá rẻ rề (so với giá Việt Nam). Được cái các “mậu dịch viên” này thái độ tương đối niềm nở, hơn xa các cửa hàng bún mắng cháo chửi ở nhà chứ đừng nói là cửa hàng bao cấp.
Một quán ăn mậu dịch
Một mall ở Havana
Ở Cuba nghe nói cơ to mới được lắp Internet ở nhà, còn lại thì ra công viên mà hứng wifi. Ai có nhu cầu dùng wifi thì mua thẻ wifi, tầm 5 CUC/h, ra những điểm wifi công cộng mà truy cập. Tìm những điểm này không khó, bởi cứ thấy chỗ nào có cả đống người ngồi chúi mũi vào điện thoại là biết. Được cái những điểm wifi tương đối phổ biến, tốc độ hơi chậm, kết nối hơi thiếu ổn định, nhưng nhìn chung là không đến nỗi quá tệ.
Công viên wifi
Thành thật mà nói nếu đi Cuba mà chỉ đi Havana thì khá chán. Havana có cảm giác gì đó rất ghetto. Nhà cửa mang phong cách thuộc địa to đẹp đấy, nhưng đổ nát. Cứ đi một đoạn là gặp một đống rác. Dân chúng thì ăn mặc bảnh bao, chải chuốt, ngồi chầu hẫu trước cửa hoặc tụm năm tụm ba buôn chuyện giữa đường. Nhìn vào Havana có thể thấy trước đây là một thành phố không hề tệ, phố xá quy củ, nhà cửa to đẹp, công viên trường học đâu ra đấy. Tầm những năm 60 thì đảm bảo Việt Nam còn chạy dài mới bằng được Cuba.
Một góc Havana
Cuba vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, rồi lại chịu sự bảo hộ của Mĩ, thành ra văn hóa Latin và văn hóa Mĩ pha trộn ở đây. El Capitolio nhìn hao hao Capitol Building, trong khi đại lộ Prado lại giống mấy đại lộ ở Tây Ban Nha. Được cái ít thấy phong cách kiến trúc chém to kho mặn của các bạn Xô Viết, nên nhìn vẫn nuột nà, chỉ cần trùng tu chút là được.
El Capitolio
Đại lộ Prado – Đằng xa là El Capitolio
Một góc Prado
Như châu Âu luôn
Trên đường khu trung tâm thì toàn xe cổ / cũ của Mĩ nhưng năm 50 60. Xe những năm 70/80 thì toàn xe Liên Xô như Lada, Uaz. Xe 90 thì xe châu Âu, còn xe 20xx thì toàn xe Tàu. Phân khúc rất rõ ràng, nước sông không phạm nước giếng. Không thấy ai đi xe đạp mấy, xe máy thì hiếm, chủ yếu là xe của những người anh em xã hội chủ nghĩa như Minsk, Simson. Nghe mấy tiếng xe này cảm giác nhớ nhung ghê gớm. Do toàn xe nát nên đường phố Havana sặc mùi xăng dầu. Vốn dĩ Cuba vẫn bị Mĩ cấm vận, nên các hãng của Mĩ không xuất hiện ở đây.
Di chuyển ở trong Havana có mấy phương tiện chính: đi bộ (dĩ nhiên), xe lôi, taxi ba bánh, taxi bốn bánh, taxi không biển. Đi gần thì cứ xe lôi, xa hơn tí thì cứ ngoắc tay là có các bạn chạy xe tới hỏi. Mặc cả thoải mái, không có cảnh chèo kèo như nhà mình. Xe lôi thì nhạc nhẽo ầm ĩ, LED liếc sáng choang. Tính ra đi xe lôi này không rẻ, nhưng tiện, đi xe taxi dù rẻ hơn nhiều.
Các bạn Cuba mà có chèo kéo thì chỉ có hai bài chính: festival de salsa and cigar collective, only today for you my friend, half price. Ngày nào cũng có festival de salsa, và ngày nào cũng có cigar collective tuồn ra. Nhiều bạn chèo kéo cũng ghê, nhưng được cái cứ cắm cúi đi thẳng thì các bạn cũng chán, chắc nghĩ bọn khách du lịch Tàu cheapo. Trước khi đến Cuba thì cứ nghĩ tình cảm anh em thắm thiết lắm, đến rồi mới thấy các bạn chả biết gì về người anh em khác cha khác mẹ cách nửa vòng trái đất này. Các bạn chỉ đoán là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, đến khi bảo là Việt Nam thì ồ, Việt Nam, Việt Nam Cuba anh em tốt. Hết. Có bạn đi xa hơn còn bảo có phải thủ đô Việt Nam là Lào không. Suýt tí nữa thì đúng, ít nhất ghi điểm nỗ lực.
Các bạn Cuba làm trần cực cao, phải tầm 4-5 m là ít
Một góc chợ
Dù sao cũng có thể thấy những dấu ấn ít ỏi của Việt Nam ở Havana, chẳng hạn như công viên Hồ Chí Minh, hay quán Hanoi. Mới hơn thì có thể tìm thấy ổ cắm điện LiOA, quạt Senko hay chậu rửa Viglacera. Cũng không quá tệ.
Quán Hanoi
Bên trong quán Hanoi chỉ bán đồ Cuba
Ấn tượng về Havana của mình cũng không quá đặc sắc, nếu đi nửa vòng trái đất chỉ đến Havana thì sẽ cực kì thất vọng. Thất vọng vì không phải là nó quá tệ, mà chỉ là mình có kì vọng về Cuba hơi cao. Vậy nên nếu bạn nào đi Cuba thì chịu khó đi ra khỏi Havana, ít nhất cũng vớt vát được tí chút mang về.
Nuôi nhiều gà các bạn nhé
LOL El Capitolio looks nothing like White House.
Vẫn thấy lạ có vài đợt hiếm trên internet (hình như có đợt ngoài đời nữa) thấy có ai cũng ca bài tình anh em Cu Việt, còn lại các xứ khác chỉ là xã giao thôi – như một ai đó đã nói trên internet. Đến cái truyện sử mấy anh Cu vác mía sang cho thằng em chống đói mình cũng chẳng đọng lại mấy trong khi mình là thằng đọc sử nhiều nhất nhì 3 cấp mà thấy có người còn nhớ Cu hơn là mình nhớ Cu (để mới ca bài ca đó). Chắc trường mình trường làng với trường tỉnh chả được giáo dục ấn tượng mấy. Giờ không biết hỏi mấy người đó mấy câu cơ bản như ngôn ngữ chính thức của bên đó là gì* không biết còn trả lời được không trong khi mấy nước xã giao đơn thuần có khi họ còn rõ hơn trong vô thức.
*Gợi ý: đó không phải là tiếng Cu, cũng không phải là tiếng Cuba