Chương IP trong TPP – Phần 4 – Thực thi

  1. Công khai các quyết định xử phạt

Các Bên có trách nhiệm ưu tiên đưa ra những quyết định xử phạt liên quan đến vi phạm SHTT bằng văn bản, và công bố các quyết định này bằng các cách thức thích hợp để các bên liên quan có thể tiếp cận được. Hiện nay ở Việt Nam, việc công bố quyết định xử phạt vẫn khá mập mờ, theo kiểu xin cho, nếu công bố rộng rãi như vậy thì các quyết định xử phạt chắc chắn sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật chặt chẽ hơn, đảm bảo về tính pháp lý, cũng như giúp cho các quyết định xử phạt của các cơ quan khác nhau có tính thống nhất cao hơn, đỡ tình trạng cùng một hành vi tương tự nhưng cơ quan A xử nặng, cơ quan B xử nhẹ, còn cơ quan C không xử.

  1. Xử lý dân sự

Các bên có trách nhiệm quy định hệ thống pháp luật đảm bảo các biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn các sản phẩm vi phạm SHTT không được lưu thông. Về nguyên tắc thì hiện ở Việt Nam có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không cho các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm SHTT được đưa vào lưu thông, cho đến khi có phán quyết của Tòa án. Thực tế cũng có trường hợp các biện pháp này đã được áp dụng, nhưng rất hiếm, và ngay cả bên Thi hành án cũng gặp lúng túng khi áp dụng các biện pháp này.

Chương này cũng quy định việc bên xâm phạm phải bồi thường cho chủ thể quyền. Chủ thể quyền có thể chứng minh thiệt hại của mình bằng việc cung cấp các tài liệu chứng minh sụt giảm doanh số, giá trị hàng hóa dịch vụ vi phạm theo giá thị trường hoặc giá bán lẻ. Đối với trường hợp vi phạm quyền tác giả và nhãn hiệu, Tòa án có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường cho chủ thể quyền số tiền thu lợi có được từ việc kinh doanh các sản phẩm xâm phạm. Hiện ở Việt Nam thì việc chứng minh thiệt hại trong vi phạm SHTT cực kỳ nan giải và phức tạp, ít ai theo đuổi đến cùng và đạt được mức bồi thương mong muốn. Hy vọng với quy định này thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.

Đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu, các Bên có thể quy định về mức bồi thường định trước, không phụ thuộc vào thiệt hại thực tế xảy ra. Ngoài ra Bên thua kiện phải chịu án phí,  và chi phí luật sư. Mặc dù luật SHTT đã có quy định về việc bồi thường chi phí luật sư nhưng điều này cũng đang còn gây tranh cãi rất nhiều, bởi việc xác định chi phí luật sư ở Việt Nam không đơn giản, nên rất hiếm trường hợp được bồi thường chi phí này.

  1. Hình sự

Các Bên sẽ quy định hình thức xử phạt hình xử đối với trường hợp giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền tác giả với quy mô thương mại. Ở Việt Nam hiện nay Luật Hình sự cũng có điều 131, 156, 171 liên quan đến các hành vi (tương tự) này. Tuy nhiên, do không có quy định về thế nào là quy mô thương mại, cũng như việc đánh đồng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vào hàng giả, dẫn đến việc xử lý hình sự cho các trương hợp giả mạo nhãn hiệu tương đối khó khăn và không thống nhất. Một luận điểm thường được đưa ra là không có hàng thật thì sao gọi là hàng giả, do vậy ví dụ sản xuất, buôn bán những mẫu quần áo gắn nhãn hiệu giả mạo nhưng các mẫu này không hề được sản xuất chính hãng thì theo quan điểm nêu trên sẽ không bị coi là hàng giả, mà chỉ là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì lại phải xác định “quy mô công nghiệp”, mà hiện tại không có bất kỳ định nghĩa nào, 2 chiếc áo hay 1 container có được coi là quy mộ công nghiệp hay không, tất cả tùy vào phán quyết của Tòa án.

  1. Bí mật thương mại

Các Bên sẽ quy định tội hình sự đối với các trường hợp tiếp cận, chiếm đoạt, tiết lộ bí mật thương mại. Ở Việt Nam thì Luật Hình sự hiện chỉ quy định đối với bí mật nhà nước, bí mật công tác, chứ không hề có bất kỳ quy định gì đối với bí mật thương mại.

  1. Trách nhiệm của Internet Service Providers – ISP

Chương IP có hẳn một phần riêng quy định về các nghĩa vụ của ISP trong việc phối hợp với chủ thể quyền tác giả nhằm chống lại các hành vi vi phạm quyền tác giả qua Internet. Theo đó các ISP có trách nhiệm hợp tác với các chủ thể quyền gỡ bỏ các nội dung lưu trữ hoặc truyền tải vi phạm quyền tác giả. nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và tự do cá nhân. Các ISP có trách nhiệm gỡ bỏ các nội dung vi phạm ngay sau khi nhận được thông báo của chủ thể quyền. Trong trường hợp gỡ bỏ ngay tình và có những hành động thông báo cần thiết trước cho người đăng tải/truyền bá các nội dung này, ISP sẽ được gỡ bỏ trách nhiệm cho việc gỡ bỏ này. Có nghĩa là sau khi nhận được thông báo và những chứng cứ cần thiết của bên thứ ba yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm, ISP có thể hoàn toàn gỡ bỏ các nội dung được yêu cầu đó, với điều kiện đã thông báo trước cho bên đăng tải. Trong trường hợp sau đó bên đăng tải chứng minh được các nội dung của mình không vi phạm quyền SHTT, ISP cũng không phải chịu trách nhiệm gì, mà hoàn toàn là việc giữa bên đăng tải và bên yêu cầu. Quy định như vậy sẽ giúp cho ISP dễ dàng gỡ bỏ các nội dung khi được yêu cầu, không phải băn khoăn về trách nhiệm pháp lý của mình. Người thiệt thòi nhất có lẽ là bên đăng tải.

Nếu luật pháp quy định về việc counter-notice (phản yêu cầu), có nghĩa là bên đăng tải có quyền phản hổi lại yêu cầu của bên yêu cầu gỡ bỏ, ISP có trách nhiệm phục hồi lại các nội dung đã bị gở bỏ, trừ khi bên yêu cầu ban đầu có quyết định của Tòa án / biện pháp khẩn cấp tạm thời. Các biện pháp xử phạt hành chính sẽ được quy định trong trường hợp các yêu cầu hoặc phản yêu cầu được đưa ra không trung thực, gây thiệt hại cho bên còn lại. Hệ thống pháp luật cũng được thiết lập để đảm bảo chủ thể quyền có thể yêu cầu các ISP cung cấp thông tin xác định danh tính người vi phạm, trong phạm vi tuân thủ các nguyên tắc về quyền riêng tư và tự do cá nhân.

Và cuối cùng, để kết thúc loạt bài về TPP, điểm mình thấy thú vị nhất đó là yêu cầu các Bên phải ban hành các văn bản, quy định để đảm bảo rằng các cơ quan chính phủ chỉ sử dụng phần mềm hợp pháp. Cái này mình đồ rằng chủ yếu nhằm vào nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhà mình.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s