Tiếp về TPP, 3 điểm mình thấy đáng chú ý nhất liên quan đến Patent, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả:
- Patent dành cho dược phẩm.
Trước khi TPP, và cả sau khi TPP được ký, phần Patent bị phản đối khá kịch liệt, chủ yếu liên quan đến dược phẩm. Cuộc tranh luận giữa hai phe, phe ủng hộ patent cho dược phẩm và phe ủng hộ thuốc generic đã âm ỉ từ rất lâu và nay lại được bùng phát. Phe ủng hộ patent cho dược phẩm thì cho rằng một loại thuốc trước khi tung ra thị trường cần phải phát triển, thử nghiệm lên đến hàng chục năm trời, có những loại thuốc tiêu tốn đến hàng tỉ USD để phát triển. Chính vì vậy mà quyền lợi của các hãng dược phẩm phải được tôn trọng, bởi nếu không họ sẽ mất động lực tiếp tục nghiên cứu và phát triển, bởi suy cho cùng các hãng dược cũng chỉ là những doanh nghiệp, họ cần có động lực- lợi nhuận, để tiếp tục hoạt động của mình. Các hãng dược phẩm chính là các công ty tích cực nhất trong việc yêu cầu kéo dài thời hạn bảo hộ của patent, bởi theo họ 20 năm là quá ngắn cho một quá trình phát triển dược phẩm, và khi họ chưa hoàn được số tiền đầu tư thì đã bị hết hạn bảo hộ. Nghe cũng có cái lý của nó chứ không phải không. Còn các bạn ủng hộ thuốc generic thì cho rằng cứu người là nghĩa vụ cao cả, nếu họ có thể cung cấp các sản phẩm thuốc chất lượng bằng hoặc thấp hơn chút nhưng cứu được mạng sống của hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân thì tại sao lại không cho phép họ làm điều đó. Hơn nữa bệnh nhân ở các nước nghèo sẽ không bao giờ đủ tiền để mua thuốc chính hãng của các hãng dược, do vậy, việc họ có sử dụng thuốc generic thì cũng đâu có ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của các hãng dược. Câu chuyện sẽ khá đơn giản nếu thuốc xịn thì cứ ở nước giàu, thuốc generic ở nước nghèo, nhưng đời vốn lắm éo le, ở nước giàu cũng có người nghèo và ngược lại. Hơn nữa con người và hàng hóa lại tự do di chuyển, ai cấm được người nước giàu đến nước nghèo mua thuốc chữa bệnh và thuốc ở nước nghèo lại tràn sang nước giàu. Nhưng vấn đề chủ yếu là là việc các nước nghèo không phải nước nào cũng có thể sản xuất được thuốc, kể cả thuốc generic. Do vậy mà các nước này vẫn nhập thuốc generic từ một nước thứ 3, mà các nước này thường không (quá) nghèo. Teva – một tập đoàn của Israel là cái tên nổi bật nhất. Doanh thu của tập đoàn này trong năm 2012 là hơn 10 tỉ USD, một con số tuy chưa phải là quá lớn trong ngành dược phẩm nhưng rõ ràng không phải là số nhỏ. Thị trường lớn nhất của Teva không phải là những nước nghèo, mà là ở Mỹ. Tính ra trong lượng thuốc mà người Mỹ tiêu thụ thì lượng thuốc sản xuất bởi Teva chỉ đứng sau mỗi Pfizer. Đó là chưa kể các tập đoàn chuyên sản xuất thuốc generic khác đóng ở ngay những nước đầu xỏ như Mỹ, Pháp… Các hãng dược phẩm không cam chịu việc thuốc của mình bị sản xuất tràn lan mà kẻ được lợi lại không phải mình, coi mình như nạn nhân khi họ phải tốn rất nhiều công sức, nguồn lực để phát triển các loại thuốc chữa bệnh, trong khi các công ty kia chỉ cần ngồi yên chờ hết hạn patent mà sản xuất, không cần cầu kỳ đầu tư nghiên cứu gì mấy.
Trong TPP thì có thể thấy rõ rằng các bên đang nghiêng về phía ủng hộ các tập đoàn dược phẩm lớn. Cũng không có gì là bất ngờ, vì Mỹ là đầu tàu trong TPP, và rất nhiều tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở Mỹ. Trong Chương SHTT của TPP dành một phần riêng cho việc cấp patent cho thuốc. Trong một số trường hợp thời hạn của patent dành cho dược phẩm có thể được kéo dài, gọi là để bù đắp cho quá trình hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra việc bảo mật dữ liệu trong việc cấp patent cho dược phẩm cũng được ưu ái hơn, thời hạn bảo mật này có thể kéo dài tới 5 năm (Art. 18.50.2.b). Với những kết quả như vậy thì các hãng dược phẩm có thể hoan hỉ ít nhiều trong cuộc chiến chống lại các hàng sản xuất thuốc generic.
- Kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được đề cập đến rất ngắn gọn trong chương này, vỏn vẹn 2 điều. Tuy vậy cũng có một điểm đáng chú ý, đó là một thiết kế nằm trong một thiết kế tổng thể cũng có thể được bảo hộ riêng. Điều này rất có ý nghĩa đối với những thiết kế có một-hai điểm nhấn cơ bản, các điểm nhấn này có thể được bao hộ riêng biệt, và chỉ cần xâm phạm các điểm nhấn này, không cần phải xâm phạm toàn bộ thiết kế, là đủ để yêu cầu xử phạt. Ví dụ một cái chai có phần vai rất độc đáo, mang tính phân biệt cao. Nếu một bên thứ ba sản xuất một cái lọ, không phải cái chai, nhưng sử dụng phần vai giống hệt, thì theo luật hiện nay là không xâm phạm quyền kiểu dáng công nghiệp, nhưng theo TPP thì sẽ có.
- Phá bỏ các biện pháp phòng vệ kĩ thuật (TPM) và quản lý thông tin ( RMI) trong copyrights
Chương SHTT của TPP quy định bất kỳ ai không được quyền mà can thiệp vào TPM hoặc marketing, cung cấp, thiết kế các dịch vụ nhằm can thiệp vào TPM, dẫn đến thay đổi khả năng quản lý truy cập của các TPM này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói nôm na thì ai crack, thiết kế, cung cấp, hoặc thu lợi từ việc can thiệp crack hoặc can thiệp vào TPM là vi phạm pháp luật. Ai mà tham gia một cách tự nguyện và có lợi ích thương mại đáng kể từ các hoạt động trên thì có thể sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Điều này có nghĩa là piracy sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay Việt Nam chỉ phạt tù với tội sao chép hoặc phân phối bất hợp pháp, chứ chưa đề cập đến việc cung cấp các công cụ. Có nghĩa là theo pháp luật Việt Nam hiện nay thì nếu anh A tạo ra một phần mềm, bán cho người dùng để cho người dùng tự crack phim, game etc thì anh A này không phạm tội hình sự nào cả, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi theo TPP, nhà tù đã chật lắm rồi nhưng vẫn phải đi tù cả lũ.
Đối với việc can thiệp RMI thì không phải đi tù như can thiệp TPM, mà chỉ xử lý dưới dạng dân sự và hành chính. RMI bao gồm (a) các thông tin xác định tác phẩm, tác giả, người biểu diễn, hoặc bất kỳ chủ sở hữu quyền nào của tác phẩm đó; (b) thông tin về các điều khoản sử dụng tác phẩm; hoặc (c) bất kỳ mã số nào thể hiện các thông tin trên. Ở Việt Nam hiện tại chưa thấy có quy định nào về việc can thiệp các thông tin này cả.
Bài sau mình sẽ nói thêm một chút về phần thực thi, và kết thúc loạt bài TPP này.