Bài viết này dựa trên bản leaked tại đây
TPP – viết tắt của Trans-Pacific Partnership (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) là một hiệp định vừa được kết thúc đàm phán ngày 5/10/2015, giữa 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam. TPP bao gồm 30 chương quy định nhiều vấn đề liên quan đến thương mại, như hải quan và trợ giúp thương mại; vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật lao động; môi trường… Hiện chưa có toàn văn TPP mà chỉ có công bố báo chí tóm tắt nội dung, vậy nên các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Một trong những chương gây tranh luận nhiều nhất của TPP là chương về Sở hữu trí tuệ. Chương này gồm các phần chính như sau:
Mục A – Các Điều khoản chung;
Mục B – Hợp tác
Mục C – Nhãn hiệu
Mục D – Chỉ dẫn địa lý
Mục E – Bằng sáng chế / Các kết quả thử nghiệm hoặc các dữ liệu khác chưa được tiết lộ
Mục nhỏ A – Bằng sáng chế chung
Mục nhỏ B – Bảo vệ dữ liện cho các sản phẩm hóa chất nông nghiệp
Mục nhỏ C – Các biện pháp liên quan đến dược phẩm / Các sản phẩm bị quản lý
Mục F – Kiểu dáng công nghiệp
Mục G – Quyền tác giả và quyền liên quan
Mục H – Thi hành
Mục I – Các nhà cung cấp dịch vụ Internet
Mục J – Các điều khoản cuối
Ngoài ra có 7 phụ lục cho chương này
Nhìn qua phần đề mục, có thể thấy ngoài các phần xương sống truyền thống của Sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan thì có thể thấy sự quan tâm đặc biệt cho các sản phẩm hóa chất nông nghiệp, dược phẩm và đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ Internet có hẳn một mục riêng. Mình sẽ không bàn đến tất cả các phần, mà chỉ đi vào những phần thiết thực nhất đối với mình, với công việc của mình, bởi các phần khác có thể (i) không hấp dẫn mình; hoặc (ii) mình không đủ hiểu biết và thực tế để bàn luận.
Vậy mục tiêu của chương này là gì? Đó là nhằm thúc đẩy sự cải tiến kĩ thuận và nhằm chuyển giao và truyền bá công nghệ, nhằm mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người sử dụng các kiến thức công nghệ theo cách thúc đẩy lợi ích xã hội và kinh tế, và nhằm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ. Một số điều nổi bật từ Mục A, B và J như sau:
- Các hiệp ước quốc tế
Tất cả các thành viên của TPP đều đã tham gia TRIPS, Hiệp ước Hợp tác về Văn bằng bảo hộ Sáng chế (1979); Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp (1967) và Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (1971) (cái này mình cũng đã có bài về tên gọi của công ước Berne dịch ra tiếng Việt không thật chính xác). Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, khi Việt Nam đã gia nhập cả 3 hiệp ước/công ước này. Ngoài ra, các Bên phải tham gia 6 công ước/hiệp ước sau đây trước ngày TPP có hiệu lực, đối với Việt Nam thì còn những công ước/hiệp ước sau phải tham gia:
– Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế về nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế (1977), sửa đổi năm 1980 (thời gian tham gia: 2 năm);
– Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu (2006) (có thể thay thế bằng việc tham gia Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá – Việt Nam đã tham gia);
– Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (1996) (3 năm);
– Hiệp ước WIPO về biểu diễn và ghi âm (1996) (3 năm).
Như vậy có thể thấy sắp tới Việt Nam sẽ có rất nhiều thay đổi, đặc biệt liên quan đến quyền tác giả. Luật SHTT của Việt Nam ra đời cũng đã được 10 năm, có lẽ cũng đã đến lúc ban hành luật mới cho phù hợp với TPP.
- Thời gian chuyển tiếp
Thời gian chuyển tiếp dành cho Việt Nam có lẽ dài nhất trong các nước thành viên, với 25 trường hợp chuyển tiếp ngoại lệ. Đối với những thời gian chuyển tiếp 10 năm, các Bên có thể chấp thuận cho Việt Nam thêm tối đa 4 năm nữa. Đối với lĩnh vực về dược phẩm và hóa chất nông nghiệp, thời gian này là 1 năm. Tất nhiên đó là trong trường hợp các bên chấp thuận, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn được thả lỏng hơn một chút, cũng bởi so về trình độ phát triển thì Việt Nam kém nhất trong số 12 quốc gia thành viên.
- Tính minh bạch
Chương SHTT còn yêu cầu các nước thành viên phải đưa lên mạng Internet toàn bộ các văn bản pháp luật, quy chế và các quyết định hành chính liên quan đến việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cái này thực sự hữu ích, bởi như hiện nay các quyết định hành chính liên quan đến sở hữu trí tuệ nói riêng, và các quyết định hành chính khác nói chung, đều khá mập mờ, thậm chí có cả trường hợp các bên liên quan cũng không được cấp hay thông báo, mà phải “xin”. Càng công khai minh bạch, các cơ quan thực thi càng phải tuân thủ pháp luật, chứ như hiện nay một số đơn vị thực thi có cách hiểu và áp dụng pháp luật rất khác nhau, đặc biệt là khu vực nông thôn, quyền hạn khá lớn nhưng hiểu biết pháp luật còn rất nhiều hạn chế. Nếu có một cơ sở dữ liệu trực tuyến để cả các bên có thể tham khảo thì chắc chắn sẽ giúp cho việc hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất hơn.
Cũng liên quan đến việc đưa các thông tin lên Internet, TPP yêu cầu các quốc gia thành viên phải đưa lên mạng Internet các thông tin liên quan đến đơn và văn bằng bảo hộ các quyền sở hữu công nghiệp. Hiện ở Việt Nam thì Cục SHTT cũng đã có cơ sở dữ liệu trực tuyến, nhưng rất hay gặp tình trạng không truy cập được, và việc update thông tin còn khá sơ sài, chỉ dừng lại ở các thông tin pháp lý cơ bản.
Trước mắt như vậy đã, bài này mình chỉ nhằm mục đích có cái nhìn khái quát một chút về chương SHTT của TPP, bài sau mình sẽ đi vào phần Nhãn hiệu, những thay đổi so với thực tế hiện nay. Bài sau có lẽ sẽ nhiều ví dụ thực tế hơn, và cá nhân mình thấy những thay đổi của phần Nhãn hiệu này thiết thực và theo hướng tích cực.