Xuất phát từ bài báo này, mình lại đang rảnh nên ngồi phân tích xem ai là chủ nhân của bức ảnh.
Tóm tắt sự việc thì là thế này:
– Ông Hải nhờ ông Tâm chụp ảnh này bằng máy ông Hải bởi ông Hải không vào vị trí đó được.
– Ông Hải cho ông Trí toàn quyền sử dụng bức ảnh đó.
– Ông Trí đem ảnh đấy đi thi và giành được giải.
1) Vậy tóm lại thì ảnh đấy là của ai?
Ở đây cần làm rõ trường hợp ông Tâm chụp ảnh bằng máy ông Hải như thế nào. Bài báo có nói là ông Hải không vào được chỗ ông Tâm đang đứng, nên đưa máy cho ông Tâm để ông Tâm chụp. Như vậy, ông Tâm chính là người sáng tạo ra bức ảnh đó, mặc dù bằng phương tiện là máy của ông Hải. Do vậy, bức ảnh đó có tác giả là ông Tâm.
Tuy nhiên cũng cần nói rõ thêm là không phải cứ là người trực tiếp bấm máy thì sẽ là tác giả của bức ảnh. Ví dụ như nếu anh A set up toàn bộ nội dung, anh sáng, bố cục cho bức ảnh, rồi nhờ anh B bấm hộ nút chụp thì tác giả vẫn là anh A chứ không phải là anh B. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì anh A mới là người bỏ công sức sáng tạo ra, còn nếu người bấm máy không phải là anh B mà là anh C, anh D nào đó thì bức ảnh vẫn như vậy.
Điều này cũng giống như việc (giả sử) J,K Rowling đem bản thảo Harry Potter ra hàng photocopy nhờ đánh máy vậy, bà Rowling vẫn là tác giả của truyện chứ không phải anh nhân viên hàng photo. Tuy nhiên vấn đề nhiếp ảnh thì nó phức tạp hơn, bởi nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ, 1 người có thể tạo ra hàng nghìn bức ảnh trong thời gian rất ngắn mà không đòi hỏi nhiều về vấn đề ý tưởng hay lao động vất vả. 2 người dùng máy như nhau, lens như nhau, chế độ như nhau, tại cùng 1 thời điểm, 1 địa điểm hoàn toàn có thể tạo ra 2 bức ảnh giống (gần) y hệt nhau, mà khó có thể nói là ai sao chép của ai được. Trong trường hợp này thì xử lý thế nào? Rất khó để tìm ra câu trả lời xác đáng.
Tuy nhiên ông Trí vẫn được coi là tác giả của bức ảnh phái sinh đem dự thi ( chỉnh màu, crop …) và ông Tâm cũng không có quyền đứng tên sử dụng bức ảnh phái sinh đó. Việc này cũng giống như ngay cả khi chị Z dịch Harry Potter ra tiếng Việt khi chưa được sự cho phép của Rowling, bản dịch đó vẫn thuộc về chị Z, và Rowling cũng không có quyền sử dụng tác phẩm phái sinh đó. Một lần nữa vấn đề trong nhiếp ảnh lại phức tạp hơn nhiều, bởi ông Tâm hoàn toàn có thể dễ dàng chỉnh sửa bức ảnh giống như cách ông Trí đã chỉnh sửa, tạo nên bức ảnh phái sinh khác gần như y hệt bức ảnh phái sinh của ông Trí. Xử lý thế nào? Nên nhớ luật SHTT chỉ bảo hộ sự thể hiện (expression) không phải là ý tưởng (idea) nên việc xử lý vấn đề SHTT trong nhiếp ảnh khá là phức tạp.
2) Ông Trí có được đem ảnh đi thi không?
Như bên trên đã xác định ông Tâm là tác giả của bức ảnh, nhưng việc ông Tâm vẫn để file trong máy ông Hải mà không đòi lại file nên có thể coi như ông Tâm đã trao quyền sử dụng bức ảnh này cho ông Hải. Do vậy, việc ông Hải trao quyền sử dụng bức ảnh này cho ông Trí mà không hỏi ý kiến ông Tâm có thể chấp nhận được. Tuy vậy, việc ông Trí đem đi thi, mà lại nhận mình là tác giả của bức ảnh, là điều ngược với quy định về SHTT, bởi quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền liên quan. Ông Tâm chỉ trao cho ông Hải (và ông Trí sau này) quyền liên quan, còn ông Tâm vẫn là tác giả của bức ảnh này, do đó, ông Tâm có quyền được đứng tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Hơn nữa, có lẽ điều lệ cuộc thi cũng chỉ cho phép các thí sinh được sử dụng tác phẩm do chính mình tạo ra, nên việc ông Trí đem ảnh đi thi là trái với điều lệ mất rồi.
3) Tóm lại thì sao?
Tóm lại, vấn đề xử lý SHTT trong nhiếp ảnh có tính phức tạp hơn so với các lĩnh vực khác. Tốt nhất là máy ai người đấy dùng, ảnh ai người đấy xài 😀
Câu tóm lại…trớt quớt quá 😀 Cảm ơn bạn vì loạt bài về IP nhé, rất thú vị.