Ở Việt Nam mình từ bản quyền được nhắc đến rất nhiều, và có lẽ là một trong những lĩnh vực SHTT được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, khái niệm bản quyền đôi khi vẫn chưa được hiểu rõ, bởi nhiều lúc mình đọc báo hay dạo mấy diễn đàn, từ “bản quyền” vẫn bị dùng sai ý nghĩa. Chẳng hạn tinhte rất hay dùng từ bản quyền để chỉ về patent – bằng sáng chế. Điều này sai cơ bản, bởi mặc dù trong luật SHTT không có khái niệm bản quyền, nhưng bản quyền vốn là từ tương đương với copyrights. Theo Điều 3 Luật SHTT thì “Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.”. Cần lưu ý là bản quyền chỉ bảo vệ sự thể hiện (expression) chứ không bảo hộ ý tưởng nằm trong đó. Đơn giản là bạn sẽ không được sao chép cái post này nếu chưa được sự đồng ý của tôi, nhưng bạn hoàn toàn có thể tự viết một post khác dựa trên những thông tin bạn thu thập được từ post này.
Đó là bản quyền, vậy nguồn mở là gì? Nguồn mở là từ được dịch sang tiếng Việt từ thuật ngữ open source. Trái với suy nghĩ của nhiều người, nguồn mở không hề chống lại bản quyền mà trái lại, nguồn mở được xây dựng với nền móng là bản quyền. Khái niệm nguồn mở vốn xuất phát từ lĩnh vực phần mềm, nhưng nay đã được mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nguồn mở có thể nói đã phát triển thành một xu hướng văn hóa, với mục đích chia sẻ không giới hạn. Nhưng nói gì thì nói, muốn tìm hiểu về nguồn mở vẫn phải tìm hiểu từ cái gốc của nó, đó là phần mềm.
Một phần mềm nguồn mở khi được phát hành thường sẽ đi kèm một license nhất định. License này đóng vai trò như một hợp đồng, người dùng phải đồng ý với các điều khoản của license thì mới được phép sử dụng, thay đổi và phân phối phần mềm đó. Nguồn mở khác với public domain (cũng không biết dịch ra tiếng Việt là gì, tài sản công cộng chăng :-/). Public domain là những thứ miễn phí hoàn toàn, bạn thích làm gì với nó thì làm. Nguồn mở thì khác, nguồn mở vẫn có chủ, chỉ có điều người chủ đó cho phép bạn sử dụng phần mềm đó theo phạm vi của license. Có những licenserất thoáng, như MIT hay BSD chẳng hạn, bạn muốn làm gì thì làm, miễn là nếu có vấn đề đừng lôi người lập trình ra chịu trách nhiệm, và bạn phải khi tên tác giả trong license là được. Có những license chặt chẽ hơn nhiều, mà phổ biến nhất là GPL. GPL chỉ cho phép bạn sử dụng, thay đổi, phân phối phần mềm với mục đích phi lợi nhuận, cấm ngặt hành vi kinh doanh từ phần mềm đó. GPL được xây dựng dựa trên tư duy copyleft, cái gì do cộng đồng làm ra phải giữ lại cho cộng đồng dùng.
Nhìn một cách đơn giản, copyrights sẽ nằm bên hữu, bảo vệ các quyền lợi của tác giả, trong khi copyleft nằm ở bên trái, bảo vệ quyền thân nhân nhưng không cho phép kinh doanh. Nằm ở giữa hai thái cực này là Creative Commons (sáng tạo chung).
Creative commons có nhiều loại giấy phép, cho phép người nắm giữ bản quyền lựa chọn những quyền gì sẽ được gửi cộng đồng, những quyền gì sẽ được giữ lại. Một giấy phép CC cơ bản sẽ gồm 3 loại: giấy phép được viết dưới ngôn ngữ máy, giấy phép được viết dưới ngôn ngữ thông thường, và giấy phép được viết dưới ngôn ngữ luật. Chính vì thế mà việc sử dụng CC khá đơn giản. CC phổ biến nhất sẽ cho phép người dùng sử dụng lại các tác phẩm cho mục đích cá nhân, nhưng phải trích dẫn tên tác giả, còn nếu muốn sử dụng vì mục đích thương mại thì phải xin phép người nắm giữ bản quyền. CC nổi lên như một sự bổ sung cho nguồn mở, vốn có xu hướng cực đoan trong việc chống lại kinh doanh phần mềm. Ví dụ wikipedia được chia sẻ với giấy phép CC Attribution-ShareAlike 3.0 (ghi công – chia sẻ). CC về cơ bản xoay quanh 4 vấn đề chính: ghi công – chia sẻ – phái sinh – thương mại.
Nguồn: http://relationary.wordpress.com/2009/03/18/creative-commons-new-protection-categories/
Cá nhân mình ủng hộ CC, bởi CC đem lại cho người nắm giữ tác quyền nhiều tự do hơn trong việc sử dụng tác phẩm của mình. Trong các bài tiếp theo mình sẽ đi sâu hơn vào các phần liên quan đến vấn đề bản quyền, đặc biệt là bản quyền phần mềm.