Cuộc chiến bằng sáng chế (p2)

Như đã nói ở phần trước, mục đích chính của bằng sáng chế (BSC, không phải BCS nhé :D) là để tưởng thưởng cho những nhà phát minh, sau khi họ đã dành không ít thời gian và công sức sáng tạo ra sáng chế hữu ích đó. Nhưng hiện nay, ít nhất là trong thị trường công nghệ cao, bên cạnh mục đích bảo vệ sáng chế, các hãng thi nhau đăng kí bằng sáng chế còn để ngăn cản đối thủ cạnh tranh. Trong các điều kiện của bằng sáng chế, không có điều kiện nào quy định về việc sáng chế đó phải thực sự tồn tại cả. Do đó, nếu muốn và nếu có khả năng, các công ty có thể vung tiền đăng kí các sáng chế mà họ cho là có thể có ích, bất chấp việc sáng chế đó có thể chưa bao giờ tồn tại. Chính vì vậy mà số lượng BSC mà các công ty công nghệ sở hữu càng ngày càng phình to, dẫn đến việc vi phạm BSC trong lĩnh vực này gần như là điều không thể tránh khỏi. Trong số các công ty công nghệ, Apple là công ty rất thích đi kiện, và cũng thu được kha khá tiền từ việc kiện tụng này. Tuy vậy Apple cũng đã phải nếm trái đắng bởi năm 2009, Nokia kiện Apple vi phạm các bằng sáng chế của mình, dẫn đến việc Apple phải dàn xếp với Nokia với một số tiền không nhỏ. Nguồn lợi từ BSC là vô cùng lớn, ví dụ như Nokia tuy làm ăn lẹt đẹt nhưng mỗi năm cũng thu về hơn nửa tỷ $ từ các hợp đồng liên quan đến bằng sáng chế của mình. Nokia có thể nói là một trong những công ty nắm giữ những công nghệ then chốt nhất của điện thoại di động, nên rất hiếm hãng nào muốn kiện tụng với Nokia.

patent-wars_5029188da363c

Những vụ kiện tụng đình đám trong làng di động. Nguồn: visual.ly

Cũng chính vì các hãng tranh nhau đăng kí BSC như vậy dẫn đến các văn phòng cấp BSC luôn bị đặt trong tình trạng quá tải. Trong cuốn sách của mình, Mark Lemley có nói một nhân viên USPTO chỉ có rất ít thời gian xem xét đơn cấp BSC nên có rất nhiều BSC được cấp ra gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn Apple có bằng sáng chế việc unlock điện thoại, với claim là “Unlocking a device by performing gestures on an unlock image”. Claim này gần như bao gồm tất cả các hành vi unlock thường thấy trên màn hình điện thoại, từ slide to unlock của iOS hay unlock kiểu ring của Anroid cho đến unlock kiểu kéo lên của Windows phone. Điều này đem lại lợi ích lớn cho những người sở hữu BSC, nhưng lại gây thiệt hại cho người sử dụng và xã hội, bởi người sở hữu BSC nắm giữ độc quyền trong phạm vi quá rộng lớn. Hơn thế nữa điều này cũng gây kìm hãm sự sáng tạo, bởi các BSC đã chắn đường các phát minh sau, khiến cho chúng không thể phát triển được trừ phi phải vi phạm các BSC trước đó.

Tính mới của các BSC cũng là một chủ để gây tranh cãi, bởi rất nhiều BSC chỉ thay đổi về mặt ngôn từ, trong khi thực chất chỉ là một sự nâng cấp nhỏ so với các phát minh đã sẵn có. Những BSC thường thấy của các hãng di động thường là những phát minh có phạm vi rất nhỏ, khó có thể nhận thấy tính mới trong đó. Đó có thể chỉ là một cử chỉ tương tác với điện thoại hay một cái gì đó tương tự, và thường được lãng quên trong một thời gian rất ngắn. Do tính đặc thù của ngành công nghiệp phần mềm, việc đăng kí BSC tương đối dễ dàng, nếu so với các ngành công nghiệp khác. Chính vì vậy mà số lượng bằng sáng chế trong một chiếc điện thoại bé bằng bàn tay hoàn toàn có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với số lượng BSC trong một chiếc ô tô.

Một điểm đáng chủ ý nữa là ở châu Âu, phần mềm máy tính nằm trong danh mục các đối tượng không được đăng kí bằng sáng chế, thế nên ở châu Âu số lượng các bằng sáng chế liên quan đến phần mềm tương đối ít nếu so với Mĩ. Ở Mĩ, vào thời kì sơ khai của phần mềm, đăng kí BSC cho phần mềm là một điều cực kì khó khăn, bởi phần mềm được cho là chỉ bao gồm các thuật toán, mà các thuật toán vốn nằm trong danh mục không được đăng kí BSC. Tuy vậy sau một loạt phán quyết của tòa án, việc đăng kí BSC phần mềm đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, với đặc thù của ngành tư pháp Mĩ là phán quyết được đưa ra bởi bồi thẩm đoàn, thường bị ảnh hưởng bởi tư tưởng yêu nước, các công ty Mỹ có lợi thế cực lớn trong việc kiện tụng vi phạm BSC mà các cty châu Âu hay châu Á không thể có được. Chính vì vậy mà phần lớn các cuộc chiến BSC đều được khởi nguồn từ các cty Mĩ, và họ cũng thường là ngưởi chiến thắng (tất nhiên nếu là 2 cty Mĩ với nhau thì điều này có thể loại trừ).

Thời hạn bảo hộ BSC cũng là một vấn đề khác gây tranh cãi. Theo quy định thì BSC sẽ được bảo hộ trong 20 năm, bất kể trong ngành công nghiệp gì. 20 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin là một thời gian cực dài. Windows 8 so với Windows 3.1 không khác gì một chiếc phản lực so với một chiếc xe đạp Phượng Hoàng thủng lốp. Chiếc điện thoại thông minh hiện nay với một chiếc năm 1993 có lẽ chỉ có rất ít sự tương đồng ngoài danh xưng điện thoại. Trong khi đó 20 năm lại là một thời gian tương đối ngắn trong lĩnh vực dược phẩm, bởi những quy định khắt khe của ngành này. Các hãng dược phẩm có thể phải bỏ hàng tỷ $ để nghiên cứu chế tạo một loại thuốc trong một thời gian kéo dài, cộng với hàng năm trời thử nghiệm theo quy định. Chính vì vậy mà họ chỉ có một vài năm để thu lời từ sản phẩm đó. Tất nhiên đó chỉ là lời than từ các công ty dược phẩm, còn mình hoàn toàn không tin vào việc họ không có đủ thời gian thu lời, bởi nếu thế thì điều gì sẽ lý giải cho việc các công ty dược phẩm vẫn có những khoản lợi nhuận không lồ hàng năm? Họ kêu vậy bởi họ sợ sự cạnh tranh đến từ các công ty ở các nước đang phát triển, với các sản phẩm tương tự (nhờ việc các BSC liên quan đã hết hạn) với giả rẻ hơn nhiều lần. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, sẽ là cực kì vô lý nếu một BSC của một loại thuốc, được đầu tư hàng tỷ $, nghiên cứu trong hàng chục năm, lại chỉ có được sự bảo hộ tương tự với BSC của một tính năng nho nhỏ nào đó của một phần mềm trên điện thoaij.

Có thể thấy hệ thống BSC hiện nay đã đến ngưỡng cần phải thay đổi. Do các ngành công nghiệp có những đặc thù riêng, việc chỉ có một hệ thống BSC chung cho tất cả là điều không nên. Tất nhiên những việc này nói cũng chỉ áp dụng cho những nước phát triển, còn ở VN thì e là khó, bởi như hầu hết các nước đang phát triển khác, VN gần như không có tiếng nói trong việc thương thảo, hình thành hệ thống pháp luật quốc tế trong lĩnh vực SHTT. Hơn thế nữa các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều sự sáng tạo ở VN hầu hết đều bị chi phối bởi các công ty nước ngoài, nên trên các phương tiện thông tin đại chúng, hầu như không thấy ai nhắc đến việc vi phạm BSC cả, mà toàn chủ yếu là vi phạm bản quyền hoặc vi phạm thương hiệu. Tuy vậy biết đâu đến một ngày nào đó sẽ có cuộc chiến BSC ở VN thì sao, ngày đó chắc chắn là sẽ thú vị lắm.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s