Opera
Chán Hà Lan rồi, mặc dù vẫn còn có cái để viết nhưng thôi cứ xếp tạm vào đấy đã. Nhân dịp nhắc đến cần sa bài trước bài này mình viết bề Budapest. Budapest là một thành phố mình rất thích, bởi nó đẹp (rất đẹp), rẻ (cực rẻ, ăn uống rẻ hơn VN), lại nhộn nữa. Budapest chắc chắn nằm trong top những thành phố đẹp nhất châu Âu mà mình có dịp đến, và có lẽ là đẹp nhất Đông Âu (mình thấy đẹp hơn Praha).
Budapest phải nói là một thành phố rất đẹp, đẹp kiểu Praha tức là đẹp bẩn bẩn (còn về phong cách kiến trúc thì hai chỗ này khác nhau). Ví Budapest như nàng Lọ Lem thì cũng không đúng, bời Lọ Lem ban đầu ăn mặc rách rưới nhưng về cuối lại thành công chúa, trong khi Budapest trước lộng lẫy như công chúa giờ thành rách rưới, nên gọi là Lo Lẹm hay Lẹm Lo thì chắc hợp hơn.
Budapest trước kia được coi là thành phố lớn thứ hai của Áo-Hung, chỉ xếp sau Vienna nên nhà cửa đường sá được xây dựng rất hoành tráng. Nhưng nếu nước Áo vẫn giàu, nên trông Vienna vẫn đẹp đẽ sạch sẽ, thì do Hungary nghèo hơn rõ ràng nên Budapest cũng bẩn hơn Vienna nhiều. Nhưng chính vì cái bẩn bẩn đấy mà có cảm giác Budapest gần gũi hơn, cổ kính hơn. Nói qua về lịch sử các Hung một chút. Thời xưa thì ở đế chế Áo Hung các bạn Hung mặc dù vẫn là xếp dưới Áo, nhưng vẫn trên cơ các nước còn lại. Áo Hung hồi đấy rất mạnh, tính về diện tích chỉ thua Nga ngố. Lý do trực tiếp WWI nổ ra cũng bởi cái đế chế này, từ sự kiện vợ chồng đại công tước Franz Ferdinand bị ám sát. Trong WW I thì Áo Hung thua to, nước Áo Hung đấy bị chia ra thành mấy nước nhỏ, trong đó có nước Hung. Trong thế chiến thứ 2 Hung nằm trong phe Trục, và kết qua là cũng thua chỏng vó (Hung đánh nhau có vẻ kém). Do thua cuộc trong WWII, Hung nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Cũng như nhiều nước Đông Âu khác, Hung coi những năm đấy là bị Liên Xô chiếm đóng, chứ không phải tình đồng đội đồng chí gì hết. Không chịu nổi chính quyền Rákosi, năm 1956 người dân Hung nổi dậy, giành chính quyền và rút khỏi Hiệp ước Warsaw. Nhưng Liên Xô không để yên, quân đội Liên Xô được điều đến đàn áp phong trào nổi dậy này, và nằm lì ở đây đến tân năm 1991, khi mà khối Đông Âu đã tan rã. Chính bởi quá khứ có phần huy hoàng cũng hiện tại ít màu hồng này mà ở Hung có nhiều người theo thiên hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan (đấy là nghe đồn thế chứ mình cũng không biết thật ra thế nào). Nhưng đúng là đối với một nước được coi là giàu trước WWI mà bây giờ lạc hậu thấy rõ so với mấy nước châu Âu khác, kể ra dân Hung đau cũng có lý. Chứ như nước mình cả lịch sử chẳng bao giờ giàu, toàn vật vã lo thiên tai với ngoại xâm nên thành ra dễ chấp nhận, cứ yên bình là tốt rồi.
Nhà Quốc hội
Đài tưởng niệm cuộc nổi dậy năm 1956 trước nhà Quốc hội
Trở về với Budapest. Budapest vốn là hai thành phố ở hai bên bờ sông Danube, Buda và Pest hợp lại. Trong hai thành phố này thì Pest có nhiều thứ hay ho hơn. Tòa nhà biểu tượng của Budapest là tòa nhà quốc hội, nằm soi bóng trên bờ sông Danube. Quả thật là tòa nhà này đẹp thật, đúng kiểu Neo Gothic mà mình thích. Nhìn gần lại càng thấy hoành tráng, chắc phải to gấp 3 lần nhà quốc hội nhà mình.
Ngay gần nhà quốc hội là cầu xích? (chả biết dịch thế nào) nối liền hai bờ sông Danube và chạy lên lâu đài Budapest. Trấn giữ hai đầu cầu là 2 bức tượng sư tử. Điểm đặc biệt của các chú sư tử này là không có lưỡi, chắc bị các bạn gypsy ăn cắp mất rồi. Gì chứ ở Hung thì gypsy nhan nhản. Lâu đài Budapest này được trưng dụng thành bảo tàng, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn Pest.
Lâu đài
Cầu và nhà quốc hội
Trả lưỡi cho tôi
Đập vào mắt ngay gần bờ sông, sau tòa nhà quốc hội một chút, là St. Stephen’s Basilica. Không hiểu hồi đấy các bạn Hung thừa tiền hay thế nào mà xây cái gì cũng to đùng ngã ngửa, lại còn trang trí cầu kì. Nhìn vào cái nhà thờ này cũng thấy ngợp, quả tình nếu so sánh với Hà Thành đệ nhất danh tự Diên Hựu, aka Chùa Một Cột, thì biết dùng từ ngữ nào để nói lên sự khác biệt nữa đây.
St. Stephen’s Basilica
Bên trong
Budapest còn có nhà thờ Do Thái lớn thứ 2 thế giới, đành phải nhắc lại câu hỏi trên là không biết các bạn này ăn gì mà thích xây to thế. Ở đây có đài tưởng niệm những nạn nhân Do Thái bị thiệt mạng bởi Phát Xít trong WWII, hình như do một KTS Thụy Điển thiết kế thì phải.
Synagogue
Ở Budapest có tuyến metro số 1 là tuyến metro lâu đời thứ 2 thế giới, chỉ sau ở London. Tuyến này đi dọc trục du lịch chính của Budapest, nên rất phù hợp với người đi du lịch như mình. Bản thân tuyến 1 này cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuyến số 1 này tàu khá bé, có lẽ là metro bé nhất mình từng đi, chắc 1 toa metro loại cũ ở Helsinki phải bằng 3 lần toa tuyến 1 này. Metro Budapest khá là cũ. Một điểm đặc biệt mình chỉ thấy ở Budapest là cả đường vào lẫn đường ra metro đều bị soát vé, trên tàu cũng thỉnh thoảng có kiểm tra vé nên trốn vé là hành động tương đối thiếu khôn ngoan ở đây. Metro ở đây là ghế bang ở hai bên đối diện nhau, chứ không phải là chi thành hàng song song. Do là tàu cũ nên không có điều hòa hay gì gì hết, mở cửa sổ trải nghiệm khí trời (hay khí đất?). Budapest có tổng cộng 3 tuyến metro, tất cả cắt nhau ở Deák Ferenc tér, nên bến này có thể coi là bến trung tâm Budapest.
Dọc bến metro 1 có nhiều điểm tham quan như Opera, House of Terror (bảo tàng kể tội chế độ Cộng sản), và đặc biệt là Hősök tere. Ở chính giữa quảng trường này là bức tượng Thiên niên kỉ, được xây dựng vào thế kỉ 19 nhân kỉ niệm 1000 năm thành lập nước Hungary. Bao quanh tượng đài này là tượng của những anh hùng dân tộc Hungary. Ở hai bên quảng trường là bảo tàng mỹ thuật và bảo tàng nghệ thuật.
Hősök tere.
House of terror cũng tương đối hay, mặc dù cũng không có gì quá mới mẻ nhưng xem vẫn thấy gần gũi. Ở ngay đằng trước là một tác phẩm tượng trưng cho Iron curtain, bức rèm thép ngăn cách Tây và Đông Âu.
House of terror
Iron curtain
Một địa điểm khác dành cho những người ham thích lịch sử là Memento Park. Khu này nằm tương đối xa trung tâm, đường xá khá ngoắt nghéo. Ở đây là nơi tập trung những bức tượng bị dẹp đi sau khi chế độ cộng sản ở Hungary sụp đổ. Bức tượng có tính biểu tượng nhất là đôi bốt của Stalin. Đây võn dĩ là bức tượng Stalin “tặng” Hungary vào những năm 1950, nhưng bị những người biểu tình năm 1956 cưa đổ, chỉ còn mỗi đôi bốt. Các bức tượng ở công viên này theo đúng phong cách XHCN, bao gồm tượng các bác lãnh tụ, tượng công nhân, vdv XHCN vươn tới đỉnh cao chói lọi của nhân loại. Gần đấy là bảo tàng gì đấy mình cũng quên tên, trong đấy trưng bày việc theo dõi người dân trong chế độ cộng sản ntn (nếu các bạn xem phim The Lives of Others rồi thì nó giống hệt trong phim).
Phần sau mình sẽ nói đến chuyện ăn uống nhâu nhẹt ở Budapest, có nhiều cái thù vị phết.