Tại ý thức hay tại quản lý?

Nhân dịp đọc báo thấy vụ tai nạn giao thông ở đường trên cao mới khánh thành ở HN. Tóm tắt vụ việc là như thế này: một nam thanh niên điều khiển xe gắn máy đi với tốc độ nhanh, va chạm với một chiếc xe ô tô hướng ngược lại. Kết quả là người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Chuyện này bình thường có lẽ cũng không có gì đáng bàn, bởi theo Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì ở VN, số người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2012 bằng 1 sư đoàn (khoảng 7 nghìn người). Có chăng điều đáng nói là vụ tai nạn xảy ra khi đường trên cao vừa mới thông xe được 10 tiếng đồng hồ, và đường này chỉ dành cho ô tô lưu thông. Rõ rang là người đi xe máy đã vi phạm luật, khi cố tính đi vào đường cấm. Mình không bàn ở đây người lái xe đó có đáng chết hay không, nhưng một khi đã có ý thức về việc phá luật thì cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận hậu quả do hành vi đó đem lại. Người chết cũng đã chết rồi, chỉ tội cho người lái xe ô tô, rất có thể phải mang ám ảnh suốt đời, hoặc nhãn tiền nhất là xe cũng bị hư hại, và với hệ thống luật ở Việt Nam thì gần như chắc chắn sẽ không được bồi thường từ phía gia đình người điều khiển xe máy kia.

Mình nhớ lại video cách đây mấy tháng, clip cảnh sát giao thông phóng nhanh vượt đèn đỏ, bị ô tô hất tung lên trời. Rõ ràng lỗi thuộc về người cảnh sát đó, phóng nhanh, vượt đèn đỏ. Trường hợp này không thể đổ lỗi cho việc thiếu hiểu biết pháp luật, vì trẻ con cũng biết đèn đỏ phải dừng lại, nói gì đến cảnh sát giao thông. Người lái xe ô tô sau một thoáng có lẽ hốt hoảng, đã chọn giải pháp bỏ chạy. Nếu ở nước ngoài có lẽ anh ta sẽ gọi cấp cứu và cảnh sát, bởi anh ta không làm gì sai cả. Nhưng ở Việt Nam lại khác. Theo luật thì không cứu người trong tình trạng nguy hiểm là vi phạm pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, có lẽ nhận thấy nạn nhân là cảnh sát giao thông, người lái xe dù ít dù nhiều cũng linh cảm được những rắc rối mà mình sẽ gặp phải, mặc dù mình làm hoàn toàn đúng luật. Phiền phức đó có thể là tiền bạc (bồi thường, thăm hỏi), thời gian (thủ tục), thể chất và tinh thần (lên đồn), thậm chí vướng vào vòng lao lý. Mặc dù hoàn toàn đúng luật nhưng người lái xe vẫn chọn phương án bỏ chạy. Khó mà trách anh ta được, bởi tuy luật là luật nhưng đâu phải lúc nào người thực thi pháp luật cũng sẽ làm theo luật.

Có thể thấy 2 lý do chính dẫn đến việc VN có rất nhiều tai nạn giao thông: ý thức người dân kém và quản lý không nghiêm. Trường hợp 1 rõ ràng ý thức kém. Lẽ thường, khi vi phạm pháp luật một cách có ý thức, người có hành vi vi phạm pháp luật đó sẽ ý thức được mình sẽ phải chịu hậu quả cho hành vi này. Đấy là sự đánh đổi mà người vi phạm lựa chọn. Cũng giống như vượt đèn đỏ vậy, gặp công an thì sẽ bị phạt, còn nếu trót lọt thì tiết kiệm được một chút thời gian. Mình vẫn thấy nhiều bạn hay kêu ca bị công an ăn cướp thế này thế kia, nhưng trong đa số trường hợp các bạn đều có lỗi. Vậy tại sao lại chửi công an khi họ làm đúng nhiệm vụ của họ? Có lẽ tại thấy ấm ức khi lũ choai choai, con ông cháu cha, trẻ trâu đi nghênh ngang, vi phạm thì công an không bắt, cứ rình mấy người ngoan hiền để bắt chăng? Đúng là ấm ức thật, nhưng nếu các bạn không vi phạm thì mình không nghĩ cảnh sát giao thông tự dưng tuýt còi phạt bạn làm gì. Mình không bảo mình chấp hành luật ATGT 100%, mình cũng có vượt đèn đỏ, cũng có phóng nhanh vượt quá tốc độ. Ở Việt Nam có ai dám vỗ ngực bảo không vi phạm luật giao thông bao giờ không? E là không. Khi bị bắt thì mình nộp phạt, bởi mình biết là mình có lỗi. Ắm ức thì cũng có, mất tiền ai chẳng xót, lại nhìn mấy đứa choai choai nó vẫn nghênh ngang. Nhưng mình cũng không chửi CSGT làm gì, bởi phần lớn CSGT cũng ngại không muốn bắt mấy thanh niên kia, bởi ở Hà Nội có biết bao nhiêu con ông cháu cha dây mơ rễ má, bắt xong alo một cái thì cũng bằng không.

Ý thức người dân kém ai cũng biết, và quản lý kém ai cũng hay. Chính vì pháp luật không nghiêm nên dân đâm nhờn, chẳng coi luật ra cái gì. Ai cũng đi như thế, sao mình lại không? Chấp hành luật còn bị chửi thì biết làm gì được. Đây là lỗi hệ thống, khi người dân không có niềm tin và không cảm thấy sợ pháp luật thì khó có thể đòi hỏi họ tôn trọng nó. Nhưng ngược lại, chính vì dân quá coi thường pháp luật nên không thể quản lý hết được, cuối cùng xử lý như bắt cóc bỏ đĩa. Muốn thay đổi có lẽ là điều rất khó, phải thay đổi toàn bộ , và điều đó cũng có nghĩa là không thể diễn ra trong một sớm một chiều được.

Mình nhớ một vụ hồi mình thực tập tại Tòa. Hai bố con đèo nhau, chắc cũng mải nói chuyện nên đâm vào một bà bán than đang đi qua đường. Hậu quả là bà bán than chết, còn người con cầm lái bị tuyên án 3 năm tù do tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Khi nhìn sơ đồ vụ án, vụ tai nạn không xảy ra ở chỗ có vạch sang đường cho người đi bộ. Điều đó có nghĩa là bà bán than sang đường không đúng nơi quy định. Vậy có phải lỗi thuộc về người cầm lái không khi bà bán than là người vi phạm trước? Hay người cầm lái phải lường trước mọi tình huống, kể cả các tình huống vi phạm pháp luật? Có nghĩa họ phải tập trung, phán đoán mọi tình huống trong khi tham gia giao thông? Vậy nếu có người tự dưng nhảy ra trước đầu xe thì sao? Có lẽ họ cũng có lỗi khi không quan sát được có người từ trên trời rơi xuống.

Ngẫm ra cũng tội cho cả hai, cuối cùng họ cũng chỉ là nạn nhân của ma trận giao thông Việt Nam mà thôi.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s