Gà lại đẻ trứng nào. Viết nốt Na Uy cho đủ bộ Scandinavia, rồi chuyển sang chỗ khác. Trước kia khi nghe đến Scandinavia mình nghĩ bao gồm trọn bộ 4 nước Bắc Âu, bao gồm cả Phần Lan, nhưng rồi mới biết Phần Lan là con ghẻ thôi :D, không được ngồi cùng mâm Scandinavia với các bạn Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy mà chỉ được ngồi mâm Nordic (thêm cả bạn Iceland).
Như đã nói ở các post trước, đến Bắc Âu mà chăm chăm đi xem nhà cửa kiến trúc cổ điển thì thất vọng toàn tập. Na Uy cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng Na Uy có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, các bạn trẻ cứ thử Google fjords xem, nhìn đẹp đến nghẹt thở. Nhưng mà có một điều rất buồn là tuy Bắc Âu về cơ bản đã đắt đỏ hơn các khu vực khác ở châu Âu, các bạn Na Uy còn đẩy cái sự đắt đỏ này lên một tầm cao mới, đạt đến đẳng cấp đắt lòi mắt. Thì cũng đúng thôi, ở gầm trời châu Âu này thì GDP đầu người của Na Uy thua mỗi Luxemburg, mà Luxemburg là cái loại nước ngân hàng nhiều hơn dân, tiền đè chết người chấp làm gì. Đến như Đan Mạch, Thụy Điển mang tiếng là giàu mà so với Na Uy khác gì thiếu gia phố huyện so với Cường đô la.
Thực ra xưa xưa thì Na Uy cũng nghèo, là một nước nông nghiệp lạc hậu (nghe quen quen).Trước kia thì Na Uy thuộc Vương quốc Đan Mạch, rồi đến thế kỉ 19 Đan Mạch thua trận trước hàng xóm Thụy Điển, Na Uy thân gái theo chồng, thành ra liên minh Na Uy – Thụy Điển. Đến đầu thế kỉ 20, Na Uy mới tách ra làm quốc gia độc lập. Chắc là hồi đó các bạn Thụy Điển thấy Na Uy như cục nợ, chẳng xơ múi được gì nên thôi, thích đi đâu thì đi. Ở đời ai học được chữ ngờ, hóa ra các bạn Na Uy lại có trữ lượng dầu mỏ khí đốt cực lớn. Nhờ đống dầu này mà Na Uy phất lên như diều, khiến các bạn Thụy Điển chỉ biết nuốt nước mắt vào trong lòng.
Bảo tàng Nobel Hòa Bình
Tiếng Na Uy về cơ bản viết gần như giống hệt tiếng Đan Mạch, nhưng đọc lại kiểu Thụy Điển. Các bạn Thụy Điển vẫn bảo tiếng Na Uy là happy Swedish, nghe như ngâm khoai tây trong mồm. Lần đi Na Uy cũng là lần đâu tiên mình thấy tuyết. Quả tình thì cũng không lấy gì làm háo hức cho lắm, chỉ thấy là lạ, vì dù sao cũng là lần đầu tiên. Na Uy đắt, Oslo lại là thành phố đắt nhất Na Uy, đặc biệt là đồ ăn. Một cái kebab ở Na Uy tình ra 10e, trong khi giá trung bình ở Tây Âu là 5e, cá biệt ở Đức có 2,5e (giá kebab thì mình nắm rõ lắm, đồ ăn chủ lực mà :D). Oslo về cơ bản cũng không có gì quá đặc sắc, so với thủ đô 3 nước Bắc Âu còn lại có phần nhạt nhòa hơn (nhưng mà giàu). Cũng có thể tại mình đi vào đợt đầu đông, mà mùa đông ở mấy nước này thì muốn vui được cũng khó. Các bạn trẻ muốn đi Bắc Âu thì cố gắng chọn mùa hè mà đi, mặc dù mùa đông mới là Bắc Âu đích thực, nhưng nhìn nó ảm đảm lắm. Được cái Oslo có nhiều bảo tàng, mà mình rất thích đi bảo tàng. Các bạn có thể vào xem bảo tàng Munch, tác giả của bức The Scream vừa bán được 120 triệu $, hoặc đi xem bảo tàng thuyền Viking, hay bảo tàng dân tộc học cũng hay.
Chính vì trước kia Na Uy và Thụy Điển là một nước nên Oslo mới được chọn làm nơi trao giải Nobel hòa bình. Đợt mình đi hí hửng chạy ra xem cityhall, thì đúng lúc chuẩn bị trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba nên nó đóng cửa, không cho tham quan, buồn ơi là sầu. Nhà cityhall của Oslo cũng xây bằng gạch đỏ như Stockholm, nhưng trông không hoành tráng bằng. Dưng mà Opera house của Oslo thì có quyền vênh vang. Opera house thường được coi là biểu tượng văn hóa của một thành phố (may mà Hà Nội được Pháp xây cho nhà hát lớn, chứ để các bác nhà mình xây thì có mà chết). Opera house của Copen cũng rất đẹp (có ảnh post trước), opera house của Stockholm là một tòa nhà cổ, trông cũng có truyền thống. Nhưng riêng opera Helsinki thì nhìn bên ngoài không khác gì một nhà máy chế biến xúc xích, độ xôi thịt và cục mịch được đẩy lên đến mức cao độ. Chưa hết, opera house của Helsinki còn được lát trang trí bằng loại gạch viên trắng, trải qua năm tháng thời gian tàn phá trông giống hệt loại gạch vẫn lát toilet trong trường học hay bệnh viện.
Post trước có comment là viết dài, nên thôi post này cắt ra làm đôi cho nó dễ đọc. Bài sau sẽ tiếp tục Na Uy, nhưng mà là Bergen, có lẽ là thành phố Bắc Âu đẹp nhất mà mình từng đến.