Đến Kathmandu nghĩ về muôn kiếp nhân sinh

Chào các bạn, lại là mình đây. Nhân dịp một ngày đẹp trời, mình xin phủi bụi blog này với câu chuyện về Nepal.

Trong tiềm thức của mình thì Nepal nổi tiếng với hai thứ, một là Himalaya, hai là các anh gurkha với con dao quắm kukri. Thế là trọn vẹn rồi, có cả thiên nhiên và con người trong đấy, cần gì biết thêm gì nữa. Bước lên máy bay và đặt chân xuống sân bay Kathmandu có cảm giác bước lên cỗ máy thời gian vậy. Sân bay Kathmandu đậm chất 1990. Các bạn hay chê Việt Nam cũng nên thỉnh thoảng đi mấy nước nghèo nghèo cho biết là Việt Nam cũng không quá tệ đâu. Năm 1990 GPD bình quân đầu người Nepal gần gấp đôi Việt Nam mà đến giờ Việt Nam đã gấp 2.5 lần rồi. Ờ thì vẫn biết Việt Nam nó còn thế này thế kia, không biết tới mùa sầu riêng chín nào mới sánh được với các cường quốc năm châu, nhưng ít nhất cũng nên ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam. Giờ lên mạng đọc comment mới thấy chán, kiểu gì cũng bị quy thành tự nhục với ngạo nghễ, không bò đỏ thì bò vàng. Tôi làm con cua có được không, sao bắt phải thành bò vậy?

Một bà già ngồi tựa cửa
Một bà già khác ngồi ăn xin

Mà thôi trở lại với Nepal. Ấn tượng đầu tiên với Kathmandu là mùi, một mùi rất Nam Á. Không hiểu các bạn Nam Á dùng cái gì mà cái mùi này không lẫn đi đâu được. Mình thì không thấy thơm, cũng không thấy thối, chỉ đơn giản là mùi nó đặc trưng vậy thôi.

Múa
Diễu hành
Cúng

Ấn tượng thứ hai là ô nhiễm. Bụi kinh khủng. Hà Nội bụi một thì các bạn x4 lên như ăn lô vậy. Cũng dễ hiểu thôi vì Kathmandu vốn là một thung lũng bao quanh bởi các dãy núi cao, không khí chạy đi đâu cho thoát được. Đường xá thì hết dốc lên lại dốc xuống, xe cộ hoạt động hết công suất thì không ô nhiễm mới gọi là khó hiểu. Kể cũng khổ, không hiểu tổ tiên các bạn Nepal vì lý do gì mà chạy lên đây sinh sống, giờ biển không có, đường bộ thì toàn núi, hàng không thì tai nạn liên tục, ngoài du lịch với xuất khẩu lao động ra cũng không thấy con đường phát triển kinh tế nào đáng kể.

Đường phố trông như thế này đây

Ấn tượng thứ ba về Kathmandu là trông nó cũng không đẹp lắm, hoặc ít nhất không như mình tưởng tượng về một thành phố biệt lập đầy chất thơ. Nhà cửa cũng san sát như Việt Nam thôi, nhưng mà lại có tận 7 di sản văn hóa thế giới trong thành phố này. Nepal mặc dù về lý thuyết nằm cạnh cả Ấn Độ và Trung Quốc nhưng chắc chắn văn hóa Nepal gần với văn hóa Ấn Độ hơn. Được cái các bạn Nepal khá hơn Ấn Độ là ra đường không thấy chó, bò, khỉ mấy, mặc dù phần đông cũng theo đạo Hindu như Ấn Độ.

Vẫn có khỉ
Thành phố nhìn từ trên cao

Nhắc đến đạo Hindu thì đền Pashupatinath xuất hiện trong film Dr Strange ở Kathmandu chắc là đền Hindu thiêng nhất ở đất nước này. Đến cái đền này mới thấy ranh giới giữa người sống và người chết nó gần nhau như thế nào. Một bên bờ ai đốt xác thì cứ đốt, một bên bờ ai đến cúng sờ linga với yoni cứ sờ. Giữa các phiên đốt xác lại có trẻ con hay mấy ông guru ra bơi sông lội nước. Cảnh tượng này nó đúng là tượng trưng cho một kiếp người luôn, trước khi sinh ra, sống và chết, tất cả chỉ hai bên bờ sông nối với nhau bằng một cái cầu nhỏ.

Mình thì vốn lớn lên trong mái trường XHCN vô thần nên không theo đạo nào cả. Ai thích theo đạo gì thì theo, miễn là không dí vào mặt mình bảo mình phải theo đạo đấy là được. Thế nên góc nhìn của mình về tôn giáo không được chính thống cho lắm. Nhưng mà thật tình đạo Hindu chắc chỉ phù hợp cho cùng lắm vài triệu tín đồ, chứ mấy trăm triệu người như bây giờ ai cũng muốn được thiêu bên dòng sông thì sông nào tải cho nổi. Nhà ai có điều kiện, có tiền mua củi mua dầu thì còn đốt được lâu, chứ nhà ai nghèo đốt sơ sơ vài tiếng rồi rải hết ra sông, sông thần sông thánh tiêu sao hết. Nhưng mà khổ nỗi tôn giáo mà, ai không tin thì kệ, còn ai đã tin thì rất tín. Mà đã tín thì phải làm thôi. Trong đền này có một căn nhà nằm ngay cạnh sông cho những người chờ chết, bởi mọi người tin là nếu chết trong đền thì sẽ dễ được siêu thoát hơn. Người sống cũng hạn chế than khóc, bởi họ tin rằng than khóc như vậy càng níu kéo linh hồn người chết ở lại cõi này. Kể ra cũng có cái hay, nhưng mà nghĩ lại một căn phòng toàn người nằm chờ chết tự nhiên lại thấy ít hay hẳn.

Đây là chỗ thiêu cho người nghèo
Đây là chỗ cho người có điều kiện hơn
Xuống sông xong lại múc nước sông lên rửa chuẩn bị cho lượt mới.
Đối diện bên kia bờ thì toàn yoni với linga cho ai có nhu cầu xin con
Muôn kiếp nhân sinh hai bên bờ. Có đoạn mấy đứa bé với ông guru bơi lững lờ ở đoạn sông này mà không kịp chụp.

Đến đền này gặp mấy ông Guru xuất hiện trong film Dr. Strange. Xin chụp ảnh, đang ban phước “have a good long life” thì câu sau đã là “fifty thoudsands rupees”. Đấy, cứ bảo Việt Nam buôn thần bán thánh, nước ngoài cũng khác gì đâu.

Một bác guru
Một bác guru khác. Bên phía vách núi chỗ vàng vàng kia là chỗ các bác guru nằm nghỉ buổi tối.

Nepal mặc dù đến 80% dân theo đạo Hindu nhưng lại là đất tổ của đạo Phật, bởi Phật Thích Ca vốn được sinh ra ở Nepal. Thế nên biểu tượng du lịch không chính thức của Nepal là con mắt Phật, đi đâu cũng thấy đồ lưu niệm có con mắt này. Ngay giữa Kathmandu là tháp Boudhanath, mà nghe nói ở đây có xá lợi Phật, còn Phật nào và xá lợi gì thì mình cũng không biết. Có vẻ chỉ ở Đông Á mới thắp hương trong chùa nhiều, còn ở Nepal mọi người chủ yếu đốt nến và dầu. Đạo Phật ở đây mình đoán là phái Tây Tạng, cũng có quả chuông luân hồi xoay xoay nhìn rất tếu mắt.

Mắt Phật
Chuông luân hồi
Mấy giờ rồi mà còn ngủ?

Tóm lại là ở thành phố này mình chỉ ấn tượng nhất khung cảnh dòng sông bên đền Pashupatinath.

Hết bài cho cụt.

Leave a comment