Thực ra mà nói thì ba nước Lithuania, Latvia và Estonia phải xếp vào nhóm riêng là các nước vùng Baltic, nhưng mà mình cứ gộp chung vào Đông Âu. Khái niệm Đông Bắc Tây Âu trên blog này dựa vào sự phân chia thời chiến tranh lạnh, nên phần lớn các nước được mình gọi là Đông Âu là các nước XHCN cũ.
Riga là thủ đô của Latvia, được mệnh danh là Paris phương bắc (không biết bao nhiêu thành phố lôi Paris ra so sánh nữa). Bởi khu trung tâm còn giữ được khá nguyên vẹn, nên thời Xô Viết nhiều bộ phim có bối cảnh là Tây Âu hay được quay tại Riga. Một điều khá quái là tiền Latvia còn có giá hơn Euro, một E chỉ ăn được 0.8 Lat, đồng 500 Lat là một trong những tờ tiền mệnh giá cao nhất thế giới. Latvia giá cả cũng khá rẻ nên thành ra tiêu chủ yếu là tiền xu.
Ở quảng trường trung tâm Latvia là House of Blackheads, các bưu thiếp của Riga hầu hết đều có hình tòa nhà này. Lù lù một đống đen xì bên cạnh là Museum of Occupation, (free, cứ cái gì free là vào 😀 )nơi các bạn Latvia trải lòng (các anh nhà báo mình dạo này lúc nào cũng xài từ này, từ chuyện của em cave đến anh trí thức) về việc bị các bạn Liên Xô và Đức chiếm đóng. Các bạn Baltic lịch sử cũng khổ, bị Liên Xô và Đức thay phiên nhau hành hạ. Latvia vốn là một nước nhỏ, năm 1940 bị Liên Xô của Stalin chiếm. Khi Đức tràn vào Latvia, chiếm quyền kiểm soát từ tay Liên Xô thì quân Đức quốc xã được chào đón như anh hùng, bởi dưới tay Stalin hàng chục nghìn người Latvia bị giết hoặc đưa đi đày. Nhưng cuộc đời éo le, từ tốt đẹp cũng không thể dùng cho Đức quốc xã được, thành ra thêm hàng trăm nghìn người Latvia chết trong WWII. Khi WWII kết thúc, Latvia bị sát nhập vào Liên Xô. Đến năm 1991, Liên Xô tan rã, Latvia trở thành nước độc lập. Nói chung các bạn Latvia gọi thời kì dưới thời Liên Xô là bị chiếm đóng, chứ không phải do tự nguyện hay gì hết.
Quảng trường trung tâm, nhà bên tay phải là House of Blackheads
Nằm ngay cạnh khu phố cổ là Freedom Monument, đóng vai trò như kiểu Lăng Bác với vườn Hồng nhà mình, lúc nào cũng thấy có hoa đặt dưới chân tượng và 2 anh lính đứng canh. Ở quảng trường này còn có cột đồng hồ Laima, được giới thiệu là nơi hẹn hò của các đôi tình nhân thời Xô Viết, một vườn hồng phiên bản Latvia.
Riga còn được giới thiệu là nơi tập trung nhiều nhà kiến trúc Jugendstil (German Art Nouveau) nhất thế giới. Mình thì cũng không rành kiến trúc lắm, bạn nào rảnh thì cứ google, nhưng theo mắt trâu của mình thì kiều nhà này có đặc trưng là trang trí cầu kì, thỉnh thoảng có tượng đắp trên tường, nhìn cũng vui mắt.
Phố Art Nouveau
Ở Riga giá rẻ, gái xinh nên rất nhiều bạn Anh Cát Lợi sang đây nhậu nhẹt, chơi bời, tối ra đường nghe toàn giọng Anh. Ở khu trung tâm Riga còn có cừa hàng dumpling buffet khá tếu, lần đầu tiên mình thấy là tính tiền theo cân. Có mấy loại dumpling để lựa chọn, ăn gì xúc hết vào một bát, từ loại dumpling nước đến dumpling rán, rau củ quả sốt siếc cho hết vào, đem ra cân, bao nhiêu cân bấy nhiêu tiền, giá cũng rẻ, rẻ hơn kebab. Còn muốn rẻ nữa thì ra chợ trung tâm ở ngay cạnh nhà ga, vào mấy quầy đồ ăn sẵn muốn ăn gì thì ăn, giá chắc chắn là rẻ hơn ở mấy bến tàu xe Việt Nam.
Dumpling
Đi chợ chủ yếu là các ông bà già
Riga cũng có một cái tháp phong cách chồng đắp bê tông đậm chất Xô Viêt tương tự tháp ở Warsaw, nhưng quy mô bé hơn, nhìn cũng không kém phần u ám.
One thought on “Riga: Paris phương Bắc”