Hôm trước có đọc bài ca ngợi Chủ tịch HĐQT 24 tuổi của Vinaconex PVC tuổi trẻ tài cao xinh đẹp. Chẳng cần có đầu óc tư duy cao cũng có thể nhận thấy là có vấn đề. 24 tuổi, tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền, không biết tài giỏi đến mức nào mà được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của một công ty có doanh thu năm 2012 ước đạt 910 tỷ như Vinaconex PVC?. Theo Khoản 2 Điều 31 Luật Doanh nghiệp nhà nước, thành viên hội đồng quản trị của công ty nhà nước có hội đồng quản trị phải “Có trình độ đại học, năng lực quản lý và kinh doanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải có kinh nghiệm ít nhất ba năm quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành, nghề kinh doanh chính của công ty”. 24 tuổi, tốt nghiệp đại học được 2 năm, nếu thật sự xuất sắc thì cũng chỉ may ra đáp ứng được vế đầu.
Cái sai lớn nhất ở vụ việc này là có những bài báo lăng xê một cách lố bịch. Ở Việt Nam “con vua thì lại làm vua” không phải là chuyện xa lạ. Thà rằng cứ im lặng mà làm, người Việt Nam nổi tiếng nhẫn nhịn, khuất mắt trông coi có phải hơn không. Đằng này không biết do tuổi trẻ hiếu thắng hay một lý do nào đó mà có bài báo này. Nhận thấy sự việc đi quá xa, chỉ sau một thời gian ngắn link bài báo đã biến mất. Cũng khó có thể nói là ngạc nhiên, bỏi theo xếp hạng tự do báo chí 2011-2012 công bố vào tháng 1/2012, Việt Nam xếp hạng 172/179 (Phần Lan đứng đầu), xếp cuối cùng khu vực Đông Nam Á, sau cả Lào và đặc biệt là Myanmar. Có ai ngờ được Myanmar trong một thời gian ngắn lại có thể thay đổi nhanh đến vậy. Trước đây, chính quyền quân sự ở Myanmar luôn được coi là một trong những thể chế tồi tệ nhất thế giới, chỉ xếp sau Bắc Hàn ở khu vực châu Á. Các cuộc biểu tình ở Myanmar luôn bị đàn áp dã man. Cuộc biểu tình năm 2007 của các nhà sư ở Myanmar cũng chìm trong vũ lực, điều tối kị đối với một nước Phật giáo như Myanmar. Có lẽ những người lạc quan nhất cũng không nghĩ tình hình thay đổi nhanh đến vậy. Sau hơn 20 năm bị giam lỏng, nữ chủ nhân của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đã được thả tự do. Không chỉ dừng lại đó, Myanmar còn tổ chức một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, quy mô tuy nhỏ nhưng được đánh giá tương đối dân chủ và khách quan. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà đã giành chiến thắng gần như tuyệt đối 43/44 ghế. Đây có lẽ chỉ là những bước đi mở đầu cho quá trình dân chủ hóa ở Myanmar.
Nhân chuyện bầu cử, quay lại Việt Nam. Chuyện bà Hoàng Yến bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội liên tục được nhắc đến trong mấy ngày qua. Hai lý do chính được nhắc đến là chuyện bà Yến không khai lý lịch là Đảng viên và ông chồng bà đang bị truy nã. Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ: Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Điều đáng nói đầu tiên là trách nhiệm của MTTQ ở đâu khi không xác minh lý lịch của các ứng cử viên khi tiến hành hiệp thương? Trách nhiệm của Ủy Ban bầu cử ở đâu? Sao không thấy ai lên tiếng nhận sai sót? Chuyện bà Yến có đơn ly hôn với chồng từ năm 2010, trong khi cuộc bầu cử diễn ra năm 2011. Chẳng nhẽ không ai biết chuyên này sao? Hơn nữa theo bà Yến, tòa án đã chấp nhận việc ly hôn của bà. Như vậy về mặt pháp lý hai người không còn liên quan gì nữa, nên coi đó là việc sai phạm nghiêm trọng dẫn đến bãi nhiệm e là không hợp lý.
Lý do tiếp theo là bà Yến không khai lý lịch là Đảng viên. Nếu vin vào lý do này thì chắc khác nào tự vả vào mặt mình. Việc bà Yến không khai có thể chia ra làm hai trường hợp: vô tình và cố tình. Nếu là vô tình thì không thể coi là lừa dối cử tri, càng không thể coi nghiêm trọng đến mức phải bị bãi nhiệm. Trong một cuộc bầu cử dân chủ, các ứng cử viên chỉ cố ý khai gian lý lịch theo hướng có lợi cho mình. Bà Yến trúng cử, vậy theo logic có hai khả năng xảy ra: một là bầu cử không trung thực, hai là cử tri mất lòn tin vào Đảng đến mức bà Yến không dám khai là Đảng viên. Ai cũng biết vụ việc này không chỉ đơn giản là khai sai lý lịch, nhưng nếu muốn bãi nhiệm bà Yến thì nên dùng những lý lẽ thuyết phục hơn, vụ việc càng lùm xùm càng lòi ra những cái sai khiến cho nhân dân ngán ngẩm
Xem ra con đường tiến lên một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh còn dài và xa lắm.