Luật sở hữu trí tuệ không hẳn là một ngành luật mới, bởi các công ước quốc tế đầu tiên về vấn đề sở hữu trí tuệ như Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp hay Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật ra đời từ cuối thế kỷ 19 nhưng đối với Việt Nam thì các công ước này vẫn còn tương đối mới mẻ, thậm chí chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Ngay bản thân tên gọi tiếng Việt của Công ước Bern cũng cho thấy sự hiểu biết chưa đầy đủ về công ước này. Công ước Bern tên đầy đủ là Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works. Tên gọi tiếng Việt của công ước là Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã mặc nhiên loại bỏ nhiều công trình được bảo vệ trong công ước. Nhìn vào tên tiếng Việt, literary works được dịch thành tác phẩm văn học. Chính vì vậy mà Công ước Bern thường được viện dẫn trong các tranh chấp về tác quyền thương mại đối với các tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật. Trong khi đó, tác phẩm văn học thuộc literary works là điều hoàn toàn đúng, nhưng literary works có nghĩa rộng hơn rất nhiều bởi văn học chỉ là một phạm trù của literary works. Literary works bao gồm cả các tác phẩm thể hiện dưới dạng chữ viết phi văn học như các công trình khoa học, sách, hay phần mềm máy tính, là những công trình quan trọng nhất đối với việc phát triển của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Trong hệ thống pháp luật quốc tế hiện nay, TRIPS được coi là văn bản pháp luật quan trọng nhất về sở hữu trí tuệ. TRIPS – trade-related aspects of intellectual property rights, là một trong những hiệp định khung của WTO. Sở dĩ TRIPS được đưa vào WTO bởi các nước phát triển muốn ép các nước đang phát triển phải tuân theo các chuẩn mực về sở hữu trí tuệ của phương Tây, nơi quyền sở hữu trí tuệ thường được nhìn nhận dưới góc độ của những người nắm quyền sở hữu trí tuệ, là những doanh nghiệp, tác giả hay nhà sáng chế. Đối với họ, việc nâng cao các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là điều tất yếu, bởi họ phải đầu tư thời gian, công sức cũng như tiền bạc để có thể có một sản phẩm như vậy. Ở thời điểm đàm phán thành lập WTO năm 1994, các nước đang phát triển không có được nhận thức đầy đủ về vấn đề sở hữu trí tuệ. Các nước đang phát triển thường chấp nhận TRIPS như một phần trong gói các hiệp định khung, bởi họ hiểu nếu không chấp nhận TRIPS có nghĩa họ sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi WTO. Tại thời điểm đó, các nước đang phát triển chỉ có một vài chuyên gia về sở hữu trí tuệ của Ai Cập. Brasil, hoàn toàn lép vế trước các chuyên gia hàng đầu của các nước phương Tây.
TRIPS được xây dựng trên nền tảng các văn bản pháp luật của châu Âu và Bắc Mỹ, cũng như các công ước nền móng của luật SHTT như Công ước Paris và Công ước Bern. Chính bởi vậy, đối với các quốc gia phát triển, họ không gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các điều khoản của TRIPS vào hệ thống luật quốc gia. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ có nghĩa vụ phải thực thi các hiệp định khung này nếu không muốn bị trừng phạt bởi WTO cũng như các thành viên khác của hiệp định. Mặt khác, nếu họ thực thi nghiêm túc các điều khoản này, điều đó sẽ dấn tới việc tự hạn chế khả năng phát triển của mình. Mất cơ hội tiếp cận với các công trình khoa học, các bằng sáng chế càng khiến cho các nước đang phát triển bị bỏ xa hơn nữa.
Đố với các quốc gia đang phát triển, việc tiếp cận với các tài sản SHTT là một việc sống còn, bởi họ bị tụt hậu một khoảng cách tương đối với các quốc gia phát triển, chính vì thế họ có nhu cầu cấp thiết đối với việc tiếp cận số lượng lớn với các công trình nghiên cứu khoa học, các bằng sáng chế. Nên nhớ không một quốc gia phát triển nào phải trả tiền để tiếp cận các tài sản SHTT. Nhật Bản, Hàn Quốc đi lên nhờ sao chép công nghệ Mỹ và Tây Âu, điển hình là Đức. Bản thân Mỹ cũng phát triển nhờ tiếp cận với tài sản SHTT của Anh.
Chính vì vậy, các nền kinh tế mới nổi, nổi bất là nhóm BRIC – Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, muốn sửa đổi các công ước quốc tế về SHTT theo hướng có lợi hơn cho các quốc gia đang phát triển. Họ muốn nới lỏng hơn các quy định về SHTT cũng như việc thực thi các quy định này. Tuy nhiên việc sửa đổi các hiệp định như TRIPS hoàn toàn không đơn giản, bởi nó là hiệp định khung của WTO, tổ chức có hơn 150 thành viên. Hơn thế nữa, việc nới lỏng các quy định về SHTT sẽ đi ngược lại lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia, những người nắm giữ phần lớn các tài sản trí tuệ, đồng thời là những người đứng đằng sau các chính phủ của các quốc gia phát triển. Một trong những lý do khiến Vòng đàm phán Doha, hay còn được gọi là Development Round, kéo dài là việc tiếp cận với các sáng chế dược phẩm. Các nước đang phát triển muốn có giấy phép sản xuất các dược phẩm chữa bệnh như HIV. tả… hàng loạt với giá rẻ, trong khi các quốc gia phát triển không muốn điều này, bởi e ngại về việc xuất ngược các sản phẩm này sang thị trường các nước phát triển cũng như các hệ lụy kèm theo đối với các nhà sản xuất dược phẩm.
Do vậy, các nhà làm luật của Việt Nam nên chú ý nhiều hơn nữa đến khía cạnh phát triển của SHTT, cần cân nhắc kĩ khi kí kết các BTA cũng như MTA về vấn đề này, cũng như tìm điểm cân bằng giữa lợi ích của người sở hữu quyền và người sử dụng.
mấy e chỉ chỗ nào thì t ký chỗ đấy thôi. 😦 giờ mới biết.