Điện nguyên tử và năng lượng thay thế

Cuối năm có nhiều đề tài để viết, từ bầu cử ở Nga, Đài Loan; cái chết của Kim Jong Il, bài toán hậu biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi; khủng hoảng đồng Euro hay mới đây là SOPA. Đề tài hôm nay thực ra là đề tài được yêu cầu cũng khá lâu rồi: đề tài môi trường. Chuyện môi trường thì có lẽ không bao giờ hết nóng hổi, nó luôn là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất.

Ngày 12/01/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ quyết tâm xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Vĩnh Tường, Ninh Thuận1. Điện nguyên tử là một trong những nguồn năng lượng gây tranh cãi nhất trên thế giới. Trong khuôn khổ bài viết này, điện nguyên tử sẽ chỉ chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ môi trường.

Xét một cách thuần lý thuyết, xây dựng nhà máy điện nguyên tử sẽ giải quyết được nhiều vấn đề môi trường. Điện nguyên tử được cho là thân thiện với môi trường, vì năng lượng nguyên tử không thải ra khí CO2, nguyên nhân chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, nguồn điện hiện nay được chủ yếu cung cấp từ nhiệt điện (chiếm tổng số 58% nguồn cung) và thủy điện (chiếm 38%)2. Theo dự báo, nếu không có các nguồn cung khác, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu điện trầm trọng. Thiếu điện dẫn tới việc các địa phương ồ ạt xây dựng nhà máy thủy điện, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về vấn đề môi trường. Chỉ xét riêng về vấn đề môi trường, xây dựng nhà máy thủy điện sẽ phá hủy một diện tích không nhỏ rừng, thường là rừng đầu nguồn do các nhà máy thủy điện cần được xây dựng ở những nơi có dòng chảy mạnh. Rừng bị phá hủy bởi thủy điện sẽ phân hủy trong môi trưởng yếm khí, dẫn đến việc giải phóng một lượng lớn CO23. Bên cạnh đó, việc thay đổi dòng chảy dẫn tới hạn hán, lụt lội bất thường, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Nhiệt điện cũng gây ra những tác động đến môi trường không nhỏ. Hiện nay tại Việt Nam, nhiệt điện than là nguồn cung điện lớn nhất. Than là dạng năng lượng hóa thạch, không có khả năng tái tạo. Khi đốt, than sẽ sinh ra một lượng lớn CO2 và SO2, tác nhân quan trọng của mưa axit.4 Ngoài ra,  việc khai thác than cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, xét trên khía cạnh môi trường, việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đem đến những lợi ích nhất định khi giảm phụ thuộc vào thủy điện và nhiệt điện.

Mặc dù vậy, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, điện nguyên tử tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Vấn đề đầu tiên là chất thải hạt nhân. Khác với phần lớn các năng lượng khác, bài toán chất thải hạt nhân là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải được giải quyết của năng lượng hạt nhân. Phần lớn chất thải hạt nhân vẫn mang trong mình phóng xạ lên tới hàng nghìn năm (quá trình bán rã của Uranium 235 và Plutonium 239 lần lượt là 723 năm và 20.000 năm5). Chính vì vậy, nếu không được giải quyết triệt để, phóng xạ từ chất thải hạt nhân sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho hàng trăm thế hệ. Bởi vậy mà phần lớn các nhà máy điện nguyên tử được xây dựng ở vùng khí hậu sa mạc khô cằn, hạn chế sự rò rỉ của chất thải phóng xa ra môi trường nước và là những nơi dân cư thưa thớt. Bản thân chì, thành phần quan trọng của các thùng chứa rác thải hạt nhân, là một kim loại nặng độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.

Vấn đề cốt lõi nhất của nhà máy điện nguyên tử là vấn đề an toàn. Thảm họa hạt nhân ở Chernobyl và mới đây là ở Fukushima, Nhật Bản là bài học cho tất cả các quốc gia có tham vọng xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Ngay cả Nhật Bản, nơi có nền công nghệ hàng đầu thế giới, còn điêu đứng khi đứng trước thảm họa hạt nhân thì ai dám chắc Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào nếu nhà máy điện nguyên tử có trục trặc? Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi vành đai núi lửa ở Thái Bình Dương, các cơ quan khoa học đã ghi nhận nhiều trường hợp động đất tại khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ6 . Mặc dù các cơ quan chức năng của Việt Nam liên tục trấn an dư luận bằng việc đưa ra các tuyên bố về việc sử dụng lò phản ứng hiện đại hơn ( lò phản ứng ở Fukushima là lò thế hệ 2, còn lò dự kiến được xây dựng ở Việt Nam là thế hệ 3 hoặc 3+) , có chức năng dừng lò khẩn cấp khi có sự cố, nhưng những e ngại vẫn còn nguyên. Với những công trình như thế này, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả kinh hoàng, ai dám khẳng định với chất lượng thi công của các công trình trọng điểm quốc gia như thế, sai sót sẽ không xảy ra?

Việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế là cần thiết và không thể tránh khỏi, và bất cứ nguồn năng lượng nào cũng có mặt hạn chế đi kèm với tính ưu việt. Điện gió bị chỉ trích vì ô nhiễm tiếng ồn, gây ra cái chết của chim di cư. Greenpeace chống lại dầu cọ, biodiesel phổ biến nhất hiện nay, vì nguy cơ phá rừng và đất ngập nước. Năng lượng mặt trời chiếm quá nhiều diện tích, cộng với giá thành đắt đỏ. Do đó, cần phải cân nhắc kĩ lợi ích cũng như tác hại của bất kỳ loại hình năng lượng nào. Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa, có lẽ nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn được xây dựng như kế hoạch, khi mà tính phản biện của dư luận đã yếu đi rất nhiều. Tháng 5/2011, Đức ra quyết định đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân trước năm 2022. Quyết định này không dựa trên những nguyên nhân khoa học hay kinh tế, mà đơn thuần là vấn đề chính trị7. Angela Merkel đã từng tuyên bố nước Đức sẽ không từ bỏ năng lượng hạt nhân sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Vậy nhưng chỉ hai tháng sau, Merkel đã đưa ra tuyên bố trái ngược hoàn toàn, bởi người dân Đức muốn như vậy. Có thể nó chỉ là nỗi lo sợ mơ hồ của người dân, khi các chuyên gia hàng đầu vẫn khẳng định tính an toàn của điện nguyên tử, nhưng ý muốn của người dân là mệnh lệnh cho các chính trị gia ở các quốc gia dân chủ. Nhưng đó là chuyện ở Đức, còn chúng ta đang nói chuyện Việt Nam. Đức khác, Việt Nam khác.

1http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2012/01/thu-tuong-viet-nam-quyet-tam-lam-dien-nguyen-tu/

2http://stc.bacgiang.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=239:tinh-hinh-cung-cp-in-va-gia-in-nm-2011&catid=122:tin-tc&Itemid=242

3http://www.buzzle.com/articles/hydroelectric-energy-pros-and-cons.html

4http://www.prosandconsof.net/what-are-the-pros-and-cons-of-coal-power/

5http://www.eng.fsu.edu/~azadini/group/website/

6http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-14-nha-may-dien-hat-nhan-vao-nam-2014-nen-chua-

7http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/germany/8546608/Why-Germany-said-no-to-nuclear-power.html

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s